CNSH. Phan Thị Thanh Loan - IVFMD Tân Bình
Giới thiệu
Trong những năm gần đây, hoạt động của con người đã tác động sâu sắc đến hệ sinh thái toàn cầu, với ô nhiễm nhựa nổi lên như một vấn đề môi trường nghiêm trọng. Vi nhựa là các hạt nhựa có kích thước siêu nhỏ, phát sinh từ quá trình phân rã nhựa, sản phẩm chăm sóc cá nhân, giặt giũ vải vóc và hoạt động công nghiệp đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe sinh vật. Những hạt này có thể xâm nhập vào cơ thể sinh vật thông qua nước, thực phẩm hoặc không khí, tích lũy và dẫn đến nhiều hậu quả bất lợi đến các hệ cơ quan như hô hấp, tiêu hóa và sinh sản. Đáng chú ý, sự phơi nhiễm vi nhựa ở động vật thuộc giới cái có thể làm suy giảm chức năng sinh sản và ảnh hưởng đến tính bền vững của quần thể. Bài viết này sẽ hệ thống hóa các bằng chứng thực nghiệm trên người và động vật nhằm làm rõ tác động của vi nhựa đến sức khỏe sinh sản nữ giới.
Phương pháp
Nghiên cứu được thiết kế dưới dạng tổng quan hệ thống, tuân theo hướng dẫn của Siddaway và cộng sự (2019) nhằm đảm bảo tính nghiêm ngặt và minh bạch trong quá trình tổng hợp dữ liệu. Việc tìm kiếm tài liệu được tiến hành trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 11 năm 2023 trên ba cơ sở dữ liệu trực tuyến: ScienceDirect, Elsevier và Google Scholar. Mục tiêu của quá trình tìm kiếm là xác định các nghiên cứu thực nghiệm liên quan đến tác động của vi nhựa đối với sức khỏe sinh sản nữ giới ở người và động vật thí nghiệm.
Từ khóa được sử dụng bằng tiếng Anh, bao gồm ba nhóm chính: (1) chủ đề: “microplastics”, “phthalates”, “bisphenol”; (2) đối tượng nghiên cứu: “human”, “rat”, “mouse”; và (3) kết quả quan tâm: “female reproductive health”. Các từ khóa trong mỗi nhóm được kết hợp bằng toán tử “OR”, và giữa các nhóm bằng “AND”. Ví dụ: (“microplastics” OR “phthalates” OR “bisphenol”) AND (“human” OR “rat” OR “mouse”) AND “female reproductive health”. Phạm vi loài động vật được giới hạn ở chuột cống, chuột nhắt và người nhằm đảm bảo tính tương đồng sinh học và khả năng suy luận sinh lý học liên quan đến con người.
Quá trình sàng lọc nghiên cứu được thực hiện theo hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là đánh giá tiêu đề và tóm tắt nhằm loại bỏ các nghiên cứu không phù hợp, dựa trên các tiêu chí lựa chọn sau: (1) nghiên cứu thực nghiệm có đề cập đến ảnh hưởng của vi nhựa đối với sức khỏe sinh sản ở người hoặc động vật thuộc giới cái; (2) công bố trên tạp chí có bình duyệt; (3) xuất bản từ năm 2022 trở đi; (4) có thể truy cập toàn văn; và (5) không phải bài tổng quan hoặc phân tích tổng hợp. Các bài trùng lặp trên nhiều cơ sở dữ liệu cũng bị loại bỏ. Giai đoạn thứ hai bao gồm đọc toàn văn các bài đủ điều kiện và tiến hành trích xuất dữ liệu. Các thông tin được thu thập bao gồm: mục tiêu nghiên cứu, mô hình động vật nghiên cứu, thiết kế thí nghiệm, đặc điểm phơi nhiễm vi nhựa (loại, liều lượng, thời gian), kết quả và kết luận chính.
Kết quả
Tổng cộng 127 bài báo từ ba cơ sở dữ liệu ban đầu, sau khi loại bỏ 2 bài trùng lặp, 125 bài còn lại được đánh giá sơ bộ dựa trên tiêu đề, tóm tắt và phương pháp. Trong số này, 107 bài bị loại do không đáp ứng tiêu chí đưa vào, bao gồm: không liên quan đến sức khỏe sinh sản (n = 20), tập trung vào hệ thống sinh sản nam (n = 18), nghiên cứu các chất không phải vi nhựa (n = 19), bài tổng quan (n = 22), phân tích tổng hợp (n = 4), sử dụng mô hình động vật không thuộc loài gặm nhấm (n = 24), và không thể truy cập toàn văn (n = 3). Cuối cùng, 15 nghiên cứu thực nghiệm phù hợp đã được đưa vào phân tích trong tổng quan hệ thống.
Bài tổng quan đã xác định 15 nghiên cứu được phân tích có những điểm tương đồng đáng kể, chia thành bốn nhóm kết quả chính.
- Ảnh hưởng đến nhau thai và sự phát triển của thai nhi
Trong số 15 nghiên cứu, 7 nghiên cứu đã đánh giá tác động bất lợi của vi nhựa đối với nhau thai và thai nhi, với các phát hiện như sau:
- Hai nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc với vi nhựa làm thay đổi quá trình trao đổi chất nhau thai ở chuột.
- Việc phát hiện vi nhựa trong nhau thai của phụ nữ trẻ tuổi được cho là có liên quan đến các trường hợp thai chậm phát triển trong tử cung.
- Một nghiên cứu phân tích dịch buồng trứng ở người và bò cho thấy vi nhựa polystyrene có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình trưởng thành của noãn.
- Vi nhựa và các chất phụ gia polymer được phát hiện trong dịch ối và mô nhau thai.
- Vi nhựa được tìm thấy ở cả cấu trúc nội bào và khoảng gian bào trong mô nhau thai, có liên quan đến tổn thương lưới nội chất và ty thể, cũng như gây thay đổi cấu trúc vi nhung mao.
- Việc đồng thời phơi nhiễm với vi nhựa và chế độ ăn giàu chất béo trong thai kỳ làm tăng tích tụ mỡ ở gan, gây ra hiện tượng chết tế bào theo chương trình (apoptosis) và viêm ở thai nhi.
- Vi nhựa polyethylene được ghi nhận làm suy giảm chức năng nhau thai và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của thai nhi.
- Ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng và sức khỏe sinh sản
Hai nghiên cứu thực nghiệm trên chuột đã cho thấy ảnh hưởng của vi nhựa lên chức năng buồng trứng và hệ sinh sản:
- Phơi nhiễm vi nhựa làm suy giảm chức năng buồng trứng và thay đổi biểu hiện protein của khung xương tế bào ở chuột.
- Vi nhựa polystyrene kích hoạt quá trình pyroptosis và apoptosis trong các tế bào hạt của buồng trứng.
- Vi nhựa polyethylene ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng noãn và sự phát triển của phôi, làm giảm khả năng sinh sản và tỷ lệ mang thai khỏe mạnh.
- Phát hiện vi nhựa trong mô và mẫu sinh học ở người
Năm nghiên cứu tập trung vào việc phát hiện vi nhựa trong các mô hoặc mẫu sinh học của người:
- Vi nhựa được tìm thấy trong nhau thai, phân su, phân trẻ sơ sinh, sữa mẹ và sữa công thức dành cho trẻ.
- Vi nhựa cũng được phát hiện trong các cấu trúc nội bào của mô nhau thai ở người.
- Một nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa vi nhựa và hệ vi sinh vật trong nhau thai và phân su, phát hiện 16 loại vi nhựa có sự tương quan với thành phần vi sinh vật.
- Vi nhựa và các chất hóa dẻo được tìm thấy trong tất cả mẫu máu của phụ nữ; phụ nữ trẻ tuổi có nồng độ các chất này cao hơn so với phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh.
- Phthalate và bisphenol được phát hiện ở mức có thể đo lường được trong huyết thanh, đặc biệt trẻ em và thanh niên có nồng độ vi nhựa cao hơn.
- Ảnh hưởng đến tế bào và mô do stress oxy hóa
Năm nghiên cứu chỉ ra rằng vi nhựa làm tăng stress oxy hóa trong hệ miễn dịch và gây tổn thương tế bào và mô:
- Việc tiếp xúc với vi nhựa và vi hạt polystyrene gây ra hiện tượng chết tế bào thông qua cơ chế gốc tự do (ROS) ở vùng đồi thị của thai nhi.
- Vi nhựa polystyrene kích thích quá trình viêm dạng pyroptosis và apoptosis tế bào hạt buồng trứng ở chuột.
- Stress oxy hóa do vi nhựa polyethylene gây ra làm suy giảm chất lượng noãn và ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sinh sản.
- Việc tiếp xúc với vi nhựa làm rối loạn chất chuyển hóa não, biểu hiện gene và hệ vi sinh đường ruột ở chuột, đồng thời liên quan đến các biểu hiện giống rối loạn phổ tự kỷ.
- Một nghiên cứu đã kiểm tra mối liên hệ giữa phơi nhiễm vi nhựa và nguy cơ phát triển ung thư vú, kết luận rằng tiếp xúc này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Kết quả của tổng quan hệ thống này cho thấy những tác động có hại tiềm ẩn của vi nhựa đối với sức khỏe sinh sản nữ giới. Cụ thể, phơi nhiễm vi nhựa đã được chứng minh là gây ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến chức năng buồng trứng, khả năng sinh sản và sự phát triển của phôi thai. Những kết quả này phù hợp với các tài liệu đã công bố trước đó và được củng cố bởi nhiều nghiên cứu khác về tác động của vi nhựa lên hệ nội tiết và sinh sản.
Tuy nhiên, sự khác biệt về phương pháp (loại vi nhựa, liều lượng, mô hình nghiên cứu) làm hạn chế khả năng tổng quát hóa kết quả. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu còn tồn tại hạn chế về thiết kế và cỡ mẫu. Do đó, cần có thêm các nghiên cứu quy mô lớn hơn để làm rõ ảnh hưởng của vi nhựa đối với sức khỏe sinh sản nữ và hỗ trợ hoạch định chính sách bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Kết luận
Tổng quan hệ thống này đóng vai trò quan trọng trong việc làm sáng tỏ những rủi ro tiềm ẩn của vi nhựa đối với sức khỏe sinh sản nữ giới. Việc hiểu rõ tác động của vi nhựa là cơ sở để định hướng các chính sách bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Trong bối cảnh đó, các nghiên cứu tương lai cần được thiết kế bài bản, khắc phục các hạn chế hiện tại nhằm cung cấp bằng chứng khoa học toàn diện và đáng tin cậy hơn.
Tài liệu tham khảo: Inam, Ö. (2025). Impact of microplastics on female reproductive health: insights from animal and human experimental studies: a systematic review. Archives of Gynecology and Obstetrics, 1-16.












Chủ nhật ngày 21 . 9 . 2025, Caravelle Hotel Saigon, Số 19 - 23 Công ...
Tiền Hội nghị: Trung tâm Hội nghị Grand Saigon, thứ bảy ngày ...
New World Saigon hotel, thứ bảy 14 tháng 06 năm 2025 (12:00 - 16:00)

Sách ra mắt ngày 11 . 7 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...

Kính mời quý đồng nghiệp quan tâm đến hỗ trợ sinh sản tham ...

Y học sinh sản số 73 (Quý I . 2025) ra mắt ngày 20 . 3 . 2025 và ...