Kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt
Đơn vị HTSS IVFMD FAMILY, BVĐK Gia Đình, Đà Nẵng
Vô sinh được định nghĩa là tình trạng các cặp vợ chồng không thể thụ thai sau hơn một năm quan hệ tình dục đều đặn, không sử dụng biện pháp tránh thai. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 1 trong 6 người trên toàn cầu gặp vấn đề về vô sinh, với tỷ lệ hiện mắc ước tính khoảng 12,5%. Sự ra đời của các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (ART) đã mang lại hy vọng cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn, với hơn 8 triệu trẻ em ra đời nhờ ART kể từ ca thụ tinh ống nghiệm đầu tiên vào năm 1978. Trong số đó, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) là hai phương pháp phổ biến nhất. Mặc dù tỷ lệ có thai và sinh sống từ IVF/ICSI ngày càng được cải thiện, song tỷ lệ thất bại vẫn còn cao, khiến nhiều cặp vợ chồng không đạt được mong muốn làm cha mẹ. Đặc biệt, phụ nữ vô sinh thường đối diện với áp lực tâm lý nghiêm trọng do kỳ vọng xã hội, tác động gia đình, chi phí điều trị và hiệu quả không như mong đợi.
Phương pháp nghiên cứu
Tổng quan hệ thống và phân tích tổng hợp này được thực hiện theo hướng dẫn PRISMA và đăng ký tại PROSPERO (mã số: CRD42024567111). Năm cơ sở dữ liệu (PubMed, Web of Science, EMBASE, Cochrane Library và PsycINFO) được tìm kiếm từ ngày 01/01/2004 đến 29/03/2024, sử dụng các từ khóa MeSH liên quan đến IVF/ICSI, stress tâm lý, và kết quả thai kỳ. Chỉ các nghiên cứu tiến cứu, công bố bằng tiếng Anh, trên tạp chí bình duyệt được đưa vào. Tiêu chí chọn gồm: phụ nữ vô sinh thực hiện IVF/ICSI, không mắc rối loạn tâm thần nặng, có đánh giá tâm lý bằng thang đo định lượng, và báo cáo đầy đủ dữ liệu (trung bình, SD). Hai nhà nghiên cứu độc lập thực hiện chọn lọc, trích xuất dữ liệu và đánh giá chất lượng bằng thang điểm Newcastle–Ottawa (NOS). Phân tích thống kê sử dụng Review Manager 5.4 và Stata 18, với SMD, khoảng tin cậy 95%, đánh giá dị biệt bằng chỉ số I² và kiểm định Egger.
Kết quả
Phân tích tổng hợp này đã tổng hợp dữ liệu từ 29 nghiên cứu phù hợp với tiêu chí lựa chọn, với tổng số 5.411 bệnh nhân thực hiện IVF/ICSI từ năm 2004 đến 2024. Kết quả chính được trình bày như sau:
-
Trầm cảm:
-
Tổng cộng 22 nghiên cứu với 4.771 phụ nữ vô sinh cho thấy mức độ trầm cảm cao liên quan đến kết quả IVF/ICSI kém hơn.
-
Độ chênh lệch giá trị trung bình chuẩn (SMD) = −0,17; 95% CI: (−0,30, −0,04); P = 0,008.
-
Ở nhóm tuổi ≥35, trầm cảm ảnh hưởng rõ rệt hơn đến thất bại IVF/ICSI (SMD = −0,27; P = 0,03).
-
Phụ nữ châu Âu chịu tác động rõ hơn so với châu Á (SMD = −0,29; P = 0,001).
-
Lo âu:
-
26 nghiên cứu với 4.457 người cho thấy lo âu làm giảm khả năng thành công IVF/ICSI (SMD = −0,17; P = 0,002).
-
Tác động rõ hơn khi đánh giá lo âu trong quá trình điều trị (SMD = −0,27; P = 0,03) và ở phụ nữ <35 tuổi (SMD = −0,13; P = 0,009).
-
Ảnh hưởng rõ nhất khi sử dụng thang đo STAI (SMD = −0,24; P = 0,003).
-
Căng thẳng nhận thức:
-
8 nghiên cứu (1.820 người) không đạt ý nghĩa thống kê tổng thể (P = 0,07), nhưng có mối liên quan tích cực ở nhóm <35 tuổi (SMD = 0,14; P = 0,01) và châu Á (SMD = 0,16; P = 0,02).
-
Căng thẳng liên quan đến vô sinh:
-
6 nghiên cứu với 1.050 người không cho thấy mối tương quan có ý nghĩa với kết quả IVF/ICSI (SMD = −0,26; P = 0,35).
-
Không phát hiện sai lệch công bố qua kiểm định Egger (P > 0,05 cho tất cả nhóm).
Kết luận
Phân tích tổng hợp từ 29 nghiên cứu với 5.411 phụ nữ vô sinh tại 14 quốc gia (tuổi trung bình 28,4–37,4) cho thấy mối liên hệ có ý nghĩa thống kê giữa mức độ lo âu, trầm cảm và kết quả điều trị IVF/ICSI. Cụ thể, phụ nữ có mức lo âu và trầm cảm thấp có tỷ lệ thành công cao hơn đáng kể. Ngược lại, không có mối liên hệ rõ ràng giữa stress nhận thức hay stress liên quan đến vô sinh với kết quả IVF/ICSI. Các cơ chế liên quan bao gồm sự ức chế trục hạ đồi–tuyến yên–buồng trứng (HPO), giảm tiết GnRH, LH, FSH và làm suy giảm tiếp nhận nội mạc tử cung qua sự điều hòa hormone và các cytokine tiền viêm như IL-6, TNF-α, CRP. Đáng chú ý, stress mạn tính còn làm tăng mức adrenaline huyết thanh, gây rối loạn tiếp nhận phôi qua các con đường PI3K-AKT và FOXO1. Phân tích phân nhóm chỉ ra rằng lo âu ảnh hưởng rõ hơn ở phụ nữ <35 tuổi, trong khi trầm cảm tác động nhiều hơn ở nhóm ≥35 tuổi. Từ đó, nghiên cứu nhấn mạnh vai trò thiết yếu của sàng lọc và can thiệp tâm lý cá nhân hóa từ sớm trong quy trình IVF/ICSI nhằm cải thiện tiên lượng sinh sản.
Nguồn tham khảo
Lu Q, Cheng Y, Zhou Z, Fan J, Chen J, Yan C, Zeng X, Yang J, Wang X. Effects of emotions on IVF/ICSI outcomes in infertile women: a systematic review and meta-analysis. J Assist Reprod Genet. 2025 Apr;42(4):1083-1099. doi: 10.1007/s10815-025-03388-7. Epub 2025 Jan 28. PMID: 39875719; PMCID: PMC12055742.











Chủ nhật ngày 21 . 9 . 2025, Caravelle Hotel Saigon, Số 19 - 23 Công ...
Tiền Hội nghị: Trung tâm Hội nghị Grand Saigon, thứ bảy ngày ...
New World Saigon hotel, thứ bảy 14 tháng 06 năm 2025 (12:00 - 16:00)

Sách ra mắt ngày 11 . 7 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...

Kính mời quý đồng nghiệp quan tâm đến hỗ trợ sinh sản tham ...

Y học sinh sản số 73 (Quý I . 2025) ra mắt ngày 20 . 3 . 2025 và ...