Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 24-07-2021 3:27pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phạm Ngọc Đan Thanh
Đơn vị Hỗ trợ Sinh sản An Sinh, Bệnh viện An Sinh – IVFAS

Chuyển phôi nang đang là một xu hướng và ưu tiên lựa chọn của các trung tâm IVF trên thế giới. Việc nuôi cấy kéo dài đến giai đoạn phôi nang, có thể tối ưu hoá lựa chọn phôi có tiềm năng cao, từ đó tăng tỉ lệ có thai và trẻ sinh sống so với phôi phân chia (Elgindy và cộng sự, 2011; De Vos và cộng sự, 2016; Glujovsky và cộng sự, 2016). Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy chưa có bằng chứng có ý nghĩa về việc lựa chọn chuyển phôi nang (Blastocyst Transfer – BT) hay chuyển phôi giai đoạn phân chia (Cleavage Transfer – CT) khi xem xét tỉ lệ sinh sống cộng dồn. Ngoài ra, việc nuôi cấy kéo dài có thể gây những ảnh hưởng đến thượng di truyền (epigenetic), giảm số lượng phôi và những ảnh hưởng như biến chứng thai kỳ và sức khoẻ trẻ. Một nghiên cứu chỉ ra nguy cơ biến chứng mang thai làm suy giảm sức khoẻ sản phụ và trẻ sau khi chuyển phôi nang so với phôi phân chia (Ginstrom Ernstad và cs., 2016). Một số nghiên cứu cho thấy tỉ lệ sinh non (preterm birth – PTB) và sinh rất non (very preterm birth – VPTB) ở trẻ từ chuyển phôi tươi BT (Kalra và cộng sự, 2012; Dar và cộng sự, 2013). Tỉ lệ sinh đôi cũng cao hơn ở chuyển phôi nang so với phôi phân chia, dù chỉ là chuyển đơn phôi.
 
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá nguy cơ sản khoa và kết quả chu sinh của lựa chọn chuyển phôi tươi giai đoạn phôi nang.
 
Thiết kế nghiên cứu
Đây là nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu thực hiện tại 3 quốc gia Bắc Âu gồm Đan Mạch, Na Uy và Thuỵ Điển, trong đó: 55.557 trường hợp sinh một và 16.315 trường hợp sinh đôi sau các chu kỳ chuyển phôi tươi sau IVF/ICSI và 2.808.323 sinh một tự nhiên ở Đan Mạch (trẻ sinh vào năm 1997-2014), Na Uy (2010-2015) và Thuỵ Điển (2002-2015). Trong số những trường hợp sinh một, 4601 trẻ sau khi chuyển phôi nang và 51.956 trẻ sau khi chuyển phôi phân chia. Nhóm sinh đôi gồm 884 trẻ thuộc nhóm chuyển phôi nang và 15.431 phôi phân chia.
 
Dữ liệu được thu thập từ nhóm người Bắc Âu gồm những đứa trẻ sinh ra từ ART và sinh tự nhiên (không can thiệp ART) do Uỷ ban An Toàn và ART Bắc Âu khởi xướng. Kết quả sản khoa và chu sinh của các trường hợp sau chuyển phôi nang, phôi phân chia và tự nhiên được so sánh bằng hồi quy logistic. Các trường hợp chuyển phôi đông lạnh không được đưa vào nghiên cứu.
 
Kết quả
Nguy cơ nhau tiền đạo cao hơn ở  trường hợp đơn thai khi chuyển phôi nang cao hơn chuyển phôi phân chia (tỷ số chênh đã điều chỉnh [aOR] 2,11 [95% CI 1,76; 2,52]). Những trường hợp sinh một sau chuyển phôi nang nguy cơ PTB cao hơn so với chuyển phôi phân chia (aOR 1.14 [95% CI 1.01;1.29]), khi được tính trên số chu kỳ chọc hút. Ngoài ra tỉ lệ bé trai cao hơn ở nhóm chuyển phôi nang so với phôi phân chia (aOR 1.13 [95% CI 1.06; 1.21]).
Nguy cơ sinh đôi cùng giới tính ở chuyển phôi nang cao hơn phôi phân chia sau chuyển đơn phôi (aOR 1,94 [KTC 95% 1,42; 2,60]). Cụ thể:
 
  1. So sánh giữa chuyển phôi nang và chuyển phôi phân chia ở trường hợp sinh một:
  • Ở trường hợp sinh một, nguy cơ nhau tiền đạo cao hơn khi chuyển phôi nang so với chuyển phôi phân chia (tỷ số chênh đã điều chỉnh [aOR] 2.11 [95% CI 1.76; 2.52]). Tương tự, nhóm BT có nguy cơ mổ lấy thai (aOR 1,09 [95%CI 1,01;1,18]) cao hơn, nhưng lại giảm nguy cơ khởi phát chuyển dạ (aOR 0,91 [95% CI 0,83;0,99]) so với nhóm CT.
  • Ngoài ra, chuyển phôi nang có nguy cơ sinh non cao hơn chuyển phôi phân chia ở những trường hợp sinh một (aOR 1.14 [95% CI 1.01;1.29]).
 
  1. So sánh giữa chuyển phôi nang và sinh tự nhiên ở trường hợp sinh một
  • Sinh một sau chuyển phôi nang có nguy cơ nhau bong non cao hơn (aOR 2.59 [95% CI 1.90; 3.44]), nhau tiền đạo (aOR 9.52 [95% CI 8.10; 11.12]), sinh mổ cao hơn (aOR 1.36 [95% CI 1.27; 1.46]) và băng huyết sau sinh cao hơn (aOR 1.21 [95% CI 1.09; 1.33]) so với các trường hợp sinh tự nhiên.
  • Ngoài ra, BT có nguy cơ sẩy thai cao hơn (aOR 1.65 [95% CI 1.47; 1.85]), sẩy thai sớm cao hơn (aOR 2.17 [95% CI 1.65; 2.78]), trẻ nhẹ cân (aOR 1.71 [95% CI 1.50; 1.95]) và trẻ rất nhẹ cân (aOR 1.81 [95% CI 1.31; 2.44]) cũng cao hơn so với trường hợp sinh tự nhiên. Tuy nhiên, chuyển phôi nang giảm nguy cơ con to > 4000g so với tự nhiên (aOR 0.83 [95% CI 0.76; 0.91]).
  • Nhóm BT có tỉ lệ bé trai cao hơn khi so với trường hợp tự nhiên (aOR 1.10 [95% CI 1.03; 1.17]).
  • Nhóm tác giả ghi nhận nguy cơ tử vong sơ sinh cao hơn (aOR 2.10 [95% CI 1.08; 3.61]) khi chuyển phôi nang so với tự nhiên.
 
  1. Song sinh đồng hợp tử
  • Chuyển 1 phôi có kết quả lần lượt 1,9% và 0,9% song thai cùng giới tính ở nhóm BT và CT. Nguy cơ sinh đôi cùng giới tính sau chuyển đơn phôi tăng lên đáng kể sau khi chuyển phôi nang (aOR 1.94 [95% CI 1.42; 2.60] so với chuyển phôi phân chia.
  • Trường hợp sinh đôi khác giới tính sau chuyển đơn phôi là tương tự đối với 2 nhóm BT (0,2%) và CT (0,3%).
 
Thảo luận
Trường hợp tăng nguy cơ nhau tiền đạo và sẩy thai sau khi chuyển đơn phôi nang cao hơn cho thấy quá trình kéo dài thời gian nuôi cấy có thể cản trở quá trình làm tổ và nhau bong non. Việc nuôi cấy dài ngày làm tăng khả năng tiếp xúc với các yếu tố gây stress bên ngoài như nhiệt độ, pH và nồng độ O2. Môi trường nuôi cấy có thể ảnh hưởng đến sự biểu hiện của các gen và tác động lên kết quả chu sinh. Một nghiên cứu trên bò cho thấy nuôi cấy phôi nang kích hoạt những thay đổi về di truyền và biểu sinh của tế bào lá nuôi phôi (Rizos và cs., 2002). Kết quả của nhóm nghiên cứu tương tự với những nghiên cứu khác trước đó, tỉ lệ bé trai cao hơn sau khi chuyển phôi nang so với phôi phân chia, tuy nhiên một số nghiên cứu khác cho kết quả không có sự khác biệt. Tiềm năng phát triển nhanh hơn ở phôi nam có thể dẫn đến những phôi phát triển đến giai đoạn phôi nang là phôi nam. Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy phôi giới tính nam có phát triển hình thái tốt hơn phôi nữ (Alfarawati et al., 2011). Tarin và cs. (2014) công bố tỉ lệ thai chết lưu sau chuyển phôi nang cao hơn, có thể từ sự bất hoạt bất thường của nhiễm sắc thể X. Sự chênh lệch giới tính vẫn chưa thể giải thích rõ ràng. Ngoài ra, tỉ lệ sinh đôi cùng giới tính tăng gấp 2 lần sau chuyển phôi nang (Hviid và cs., 2018; Ikemoto và cs., 2018).
 
Kết luận
Quá trình nuôi cấy phôi kéo dài có khả năng ảnh hưởng đến kết quả chu sinh và nguy cơ mắc các biến chứng cao hơn. Những kết quả này quan trọng vì chuyển phôi nang đang là xu hướng và lựa chọn ưu tiên của nhiều trung tâm IVF trên thế giới.
 
Nguồn: SPANGMOSE, A. L., et al. Obstetric and perinatal risks in 4601 singletons and 884 twins conceived after fresh blastocyst transfers: a Nordic study from the CoNARTaS group. Human Reproduction, 2020, 35.4: 805-815.

Các tin khác cùng chuyên mục:
HOẠT ĐỘNG
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK