Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 29-07-2021 9:37pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH.Nguyễn Quỳnh Như - IVFMD Tân Bình
 
Thất bại thụ tinh hoàn toàn trong chu kỳ thực hiện IVF cổ điển (cIVF) chiếm khoảng 10-25%, đây là một trong những vấn đề đáng lo ngại trong hỗ trợ sinh sản (ART) (Neeta Singh và cộng sự, 2013). Mặc dù kỹ thuật cIVF đã phát triển từ những năm 1978, nhưng thất bại thụ tinh hoàn toàn vẫn không thể tránh khỏi. Để cải thiện tình trạng này, những trường hợp thất bại thụ tinh hoàn toàn sẽ được thực hiện rescue ICSI (r.ICSI) vào ngày kiểm tra thụ tinh, tuy nhiên lúc này sự già hóa của noãn góp phần làm cho kết quả lâm sàng kém đi. Do đó, việc đồng cấy giữa tinh trùng và noãn thời gian ngắn, kết hợp r.ICSI sớm, được coi là một giải pháp tối ưu để tránh thất bại thụ tinh hoàn toàn sau cIVF và giúp cải thiện kết quả lâm sàng. Tuy nhiên, để nhận biết noãn không thụ tinh và để thực hiện r.ICSI sớm cần phải loại bỏ tế bào cumulus trong vòng 4h sau khi thụ tinh. Các tế bào cumulus đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển, trưởng thành, thụ tinh của noãn bào và phát triển phôi thai (Ebner T và cộng sự., 2006). Do đó, vẫn chưa rõ liệu việc loại bỏ tế bào cumulus sớm này có bất kỳ tác động bất lợi nào đến sự phát triển phôi thai hay không. Hơn nữa, việc loại bỏ tế bào cumulus sớm làm gián đoạn “giao tiếp” giữa tế bào cumulus và noãn, trong khi sự “giao tiếp” này rất cần thiết cho sự hình thành noãn chất lượng tốt. Điều này có thể ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển của phôi thai và cơ hội mang thai thành công của bệnh nhân.

Mặc dù đã có một số bài báo nghiên cứu về ảnh hưởng của việc loại bỏ tế bào cumulus sớm đối với sự phát triển của phôi và ảnh hưởng đến thai kỳ, tuy nhiên những kết quả này chưa thống nhất và còn nhiều tranh luận.  Mục đích của nghiên cứu này là để so sánh tác động của việc loại bỏ tế bào cumulus sớm (4h) so với thông thường (20h) sau khi thụ tinh đối với sự phát triển của phôi, thai kỳ và kết quả chu sinh.

Đây là nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu, thực hiện trên 1784 bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật cIVF  từ năm 2016 đến năm 2018, trong đó chia thành 2 nhóm: 4h (n=570) và 20 h (n=1214) . Sau 4h nuôi cấy noãn với tinh trùng, noãn ở nhóm 4h được loại bỏ tế bào cumulus bằng phương pháp cơ học sử dụng pipette pasteur. Ở nhóm 20h sau khi đồng nuôi cấy, noãn sẽ được tiếp tục cấy và loại tế bào cumulus vào ngày kiểm tra thụ tinh. Các bệnh nhân được chuyển phôi ngày 2 hoặc ngày 3 với tối đa 2 phôi tốt.

Kết quả nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt về tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ phôi tốt và tỷ lệ phôi nang giữa 2 nhóm nghiên cứu. Sau chuyển phôi, có 1073 trẻ sinh sống, trong đó nhóm 4h có 337 trẻ và nhóm 20h có 736 trẻ. Khi so sánh kết quả lâm sàng giữa hai nhóm, nghiên cứu ghi nhận tỷ lệ mang thai lâm sàng tương tự giữa 2 nhóm (54,6% so với 54,9%). Ngoài ra tỷ lệ thai diễn tiến, thai sinh hóa, sẩy thai và tỷ lệ đa thai đều không có sự khác biệt đáng kể giữa hai nhóm. Để đánh giá toàn diện mức độ an toàn của việc loại bỏ cumulus sớm, nghiên cứu phân tích đến kết quả chu sinh. Không có sự khác biệt đáng kể nào được tìm thấy ở trọng lượng sinh trung bình và tuổi thai giữa hai nhóm, kể cả trong thai đơn và song thai. Ngoài ra, kết quả cũng tương tự giữa hai nhóm trong tỷ lệ sinh non, dị tật bẩm sinh và tỷ lệ giới tính khi sinh.

Luôn luôn có những lo ngại về tính an toàn trong hỗ trợ sinh sản, đặc biệt là khi có bất kì sự thay đổi nào trong thực hành lâm sàng. Vì vậy, nghiên cứu này có giá trị khi tập trung phân tích các kết quả chu sinh. Loại bỏ tế bào cumulus là một bước quan trọng trong hỗ trợ sinh sản và những tác động tiềm năng cần được phân tích và xem xét kỹ lưỡng. Trong nghiên cứu này, cho thấy ở cả hai nhóm đều có kết quả chu sinh tương tự nhau về cân nặng, tỷ lệ sinh non, tuổi thai trong cả trường hợp đơn thai và song thai. Do đó, việc loại bỏ tế bào cumulus sớm để có thể đánh giá khả năng thụ tinh và thực hiện r.ICSI sớm dường như an toàn về kết quả thai kỳ và trẻ sinh sống. Tuy nhiên, vẫn cần các nghiên cứu lâu dài về sự phát triển của trẻ để tăng tính xác thực về sự an toàn của việc loại bỏ tế bào cumulus sớm.
 
Kong, P., Yin, M., Tang, C., Zhu, X., Bukulmez, O., Chen, M., & Teng, X. (2021). Effects of Early Cumulus Cell Removal on Treatment Outcomes in Patients Undergoing In Vitro Fertilization: A Retrospective Cohort Study. Frontiers in endocrinology, 12, 669507. https://doi.org/10.3389/fendo.2021.669507
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ Nhật ngày 9 . 6 . 2024

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK