Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 04-09-2019 5:37pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Sự thành công của 1 chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) được đánh dấu từ quá trình phôi làm tổ thành công và kết thúc tốt đẹp khi một đứa trẻ ra đời khỏe mạnh. Nếu như sự khởi đầu của một chu kỳ phụ thuộc nhiều vào trình độ của phòng lab IVF, đội ngũ bác sĩ điều trị thì quá trình còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào thể trạng và sức khỏe của người mẹ, chính vì vậy để có được kết quả tốt người phụ nữ mang thai cần được chăm sóc một cách toàn diện không chỉ về thể chất mà còn cả tinh thần. Với những phụ nữ mang thai tự nhiên, những bất ổn về tâm lý diễn ra do sự thay đổi về hormone bên trong cơ thể trong suốt các khoảng thời gian của thai kỳ, gây cảm giác mệt mỏi, buồn nôn, thèm ăn, khó chịu, dễ quên, cáu gắt… đặc biệt trong khoảng thời gian 3 tháng cuối trước sinh, người phụ nữ thường dễ bị stress, trầm cảm hơn do những lo nghĩ kỳ sinh sắp diễn ra. Về mặt sinh lý quá trình mang thai của người mẹ nhờ sự can thiệp của công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART) không có nhiều khác biệt so với mang thai tự nhiên, tuy nhiên, sự thay đổi về tâm lý trong quá trình mang thai vẫn còn nhiều tranh cãi, một nhóm những công bố cho rằng mức độ stress của 2 nhóm phụ nữ là như nhau và một nhóm những tác giả khác cho rằng nhóm phụ nữ mang thai nhờ vào ART dễ bị stress, đối với khả năng bị trầm cảm, vẫn chưa có sự thống nhất giữa các nhóm tác giả. Bài nghiên cứu được thực hiện nhằm mục đích kiểm chứng xem liệu rằng quá trình IVF có ảnh hưởng đến mức độ stress, trầm cảm của phụ nữ trong quá trình mang thai và sau khi sinh hay không, so với nhóm phụ nữ mang thai tự nhiên (García-Blanco et al, 2018).
 
 
Phương pháp nghiên cứu:
Về phương diện tâm lý, hai bài kiểm tra State-Trait Anxiety Inventory (STAI-S) và the Beck Depression Inventory-Sort Form (BDI/SF) là hai tiêu chí đánh giá mức độ stress và trầm cảm, về sinh lý, mức độ cortisol and α-amylase trong nước bọt là hai chỉ tiêu đánh giá. Thời gian đánh giá được chia làm 3 khoảng, T1: quý 3 thai kỳ; T2: 48 giờ sau sinh; T3: 3 tháng sau sinh.
 
Các kết quả chính:
So với mang thai tự nhiên, nhóm phụ nữ mang thai IVF có chỉ số STAI-S cao hơn ở thời điểm T1 (P = 0,016, odds ratio (OR) = 2.46), và sự khác biệt được duy trì trong khoảng thời gian T1 đến T2 (P = 0,37, OR = 0,70) cũng như từ T2 đến T3 (P = 0,36, OR = 0,69). Về mức độ trầm cảm, nhóm phụ nữ mang thai IVF có chỉ số BDI/SF thấp hơn ở thời điểm T1 (P < 0,001, OR = 0,192). Sự khác biệt giảm dần từ thời điểm T1 đến T2 (P = 0,072, OR = 2,21) và duy trì trong suốt khoảng thời gian từ T2 đến T3 (P = 0,107, OR = 2,09). Mặc dù chỉ số BDI/SF không có sự khác biệt về thống kê ở hai nhóm, giá trị trung bình STAI-S của nhóm phụ nữ IVF tại thời điểm T1 vẫn cao hơn. Với chỉ số sinh lý, nhóm các bà mẹ mang thai IVF có nồng độ cortisol ở thời điểm T1 (P = 0,043, Δlog(cortisol) = 0,88) cao hơn so với nhóm tự nhiên. Từ thời điểm T1 đến T2 nồng độ cortisol ở cả hai nhóm tăng với mức độ khá tương đồng (P = 0,81, Δlog(cortisol) = −0,16). Tuy nhiên, diễn biến từ khoảng T2 đến T3, nhóm phụ nữ mang thai IVF giảm nồng độ cortisol (P = 0,059, Δlog(cortisol) = −0,94), trong khi nhóm mang thai tự nhiên vẫn duy trì ở mức độ ổn định. Với nồng độ α-amylase, không có sự khác biệt giữa hai nhóm ở thời điểm T1 (P = 0,7, Δlog(α-amylase) = −0,095). Tuy nhiên, ở thời điểm từ T1 đến T2, nhóm phụ nữ mang thai IVF vẫn duy trì nồng độ α-amylase, trong khi nhóm còn lại có xu hướng giảm (P = 0,049, Δlog(α-amylase) = 0,596) và không ghi nhận sự khác biệt ở giai đoạn cuối từ T2 đến T3 (P = 0,53, Δlog(α-amylase) = −0,283).
 
Kết luận:
Kết quả bài nghiên cứu cho thấy, phụ nữ mang thai IVF có xu hướng bị stress nhiều hơn phụ nữ mang thai tự nhiên ở quý 3 của thai kỳ, tuy nhiên mức độ trầm cảm lại ít hơn. Sự khác biệt của hai nhóm giảm dần và không có sự khác biệt sau khi sinh 3 tháng. Điểm sáng của bài nghiên cứu là một trong những công bố đầu tiên có sự kết hợp đánh giá cả hai yếu tố tâm lý và sinh lý, dù còn một số hạn chế như chỉ khảo sát từ quý 3 của thai kỳ về sau, bài báo cũng là một dẫn chứng cụ thể đề cao vai trò chăm sóc tâm lý của phụ nữ đang mang thai, đặc biệt hơn với các phụ nữ mang thai nhờ vào công nghệ hỗ trợ sinh sản.

CVPH. Nguyễn Cao Trí – IVF Vạn Hạnh
 
Nguồn tham khảo:
García-Blanco, A., Diago, V., Hervás, D., Ghosn, F., Vento, M., & Cháfer-Pericás, C. (2018). Anxiety and depressive symptoms, and stress biomarkers in pregnant women after in vitro fertilization: A prospective cohort study. Human Reproduction. https://doi.org/10.1093/humrep/dey109

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK