Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 09-09-2020 2:19pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Khác
ĐD Hoàng Thị Thanh - IVFAS
 
Mỗi người sinh ra có một nhóm máu hoàn toàn khác nhau, được quy định bởi nhiều hệ kháng nguyên nhóm máu trong cơ thể. Hiện có khoảng 40 hệ kháng nguyên với hơn 600 kháng nguyên nhóm máu được phát hiện, tuy nhiên, chỉ có 2 hệ nhóm máu chính có vai trò quan trọng trong miễn dịch là hệ ABO và hệ Rhesus [1]. Do đó, khi xác định nhóm máu của một người có thích hợp để truyền cho người khác hay không, người ta chỉ chú trọng đến 2 hệ nhóm máu này. Rất hiếm khi xảy ra phản ứng miễn dịch do bất đồng nhóm máu của các hệ khác.
 
Hệ nhóm máu ABO
 
Hệ nhóm máu ABO gồm có 4 loại nhóm máu: A, B, O và AB. Với những đặc điểm khác nhau trong kháng nguyên của từng nhóm máu, độ tương thích hồng cầu giữa các nhóm máu cũng khác nhau đặc biệt có ý nghĩa trong truyền máu huyết học.
Bảng khả năng tương thích hồng cầu

Người nhận Người cho
O- O+ A- A+ B- B+ AB- AB+
O- X X X X X X X
O+  ✓ X X X X X X
A- X  ✓ X X X X X
A+  ✓ X X X X
B-  ✓ X X X  ✓ X X X
B+  ✓ X X  ✓ X X
AB-   ✓ X X  ✓ X X
AB+  ✓  ✓  ✓  ✓  ✓
 
Hệ nhóm máu Rhesus (Rh)
 
Ngoài hệ nhóm máu ABO thì hệ nhóm máu Rhesus đóng vai trò quan trọng không kém. Kháng nguyên nhóm máu của hệ này được đặt tên là yếu tố Rhesus. Hệ này gồm 2 loại nhóm máu là Rhesus dương (có yếu tố Rhesus, viết tắt là Rh+) hoặc Rhesus âm (không có yếu tố Rhesus, viết tắt là Rh-). Nhóm máu mỗi người sẽ được ghi dưới dạng kết hợp của hai hệ nhóm máu ABO và Rhesus. Ví dụ: người nhóm máu O có Rhesus dương được viết tắt O+ và ngược lại. Sự không tương đồng của yếu tố Rh giữa bố và mẹ sẽ ảnh hưởng đến con cái. Một người phụ nữ có Rh- và người chồng có Rh+ vẫn có khả năng sinh con bình thường. Đứa bé sinh ra có thể là Rh+ (hoặc Rh-). Tuy nhiên, nếu bé đầu là Rhesus dương, cơ thể mẹ sẽ tạo kháng thể chống lại yếu tố Rhesus. Kháng thể được tạo lần đầu này còn ít nên chưa tạo phản ứng miễn dịch. Nhưng từ bé thứ hai trở đi, nếu bé là Rh+ thì cơ thể mẹ sẽ tạo kháng thể nhiều hơn chống lại yếu tố Rh+ của bé ngay từ trong thời kỳ thai còn trong tử cung. Kháng thể của mẹ sẽ hủy hoại các hồng cầu của thai gây thiếu máu trầm trọng, vàng da nặng, gan lách to. Thai có thể chết lưu trong tử cung hoặc trẻ tử vong sau sinh.

Hiện nay đã có biện pháp phòng ngừa đơn giản, đó là ngay sau khi sinh con lần đầu, người mẹ được tiêm huyết thanh kháng Rhesus (hay còn gọi là anti D). Tuy nhiên, ở những trường hợp nặng, bào thai cần được theo dõi và chăm sóc đặc biệt. Phương pháp điều trị chủ yếu là thay máu khi trẻ còn trong bụng mẹ qua tĩnh mạch rốn hoặc ngay sau khi sinh ra.

Trong dân số chung, nhóm máu có yếu tố Rh- chỉ chiếm 0,04% và nhóm Rh+ chiếm đến 99,96%. Đặc điểm của nhóm máu Rh- là chỉ có thể nhận từ người cùng nhóm máu Rh- và phụ nữ có nhóm máu Rh- thì con rất dễ tử vong nếu chồng họ có nhóm máu Rhesus+ [2].
 
Các bệnh lý liên quan đến đặc điểm nhóm máu hệ ABO
Có nhiều nghiên cứu với cỡ mẫu lớn đã chỉ ra rằng có sự liên quan giữa nhóm máu và các bệnh lý nhất là các bệnh lý nguy hiểm. Tuy nhiên, một số quan điểm vẫn đang trong thời gian kiểm chứng do số cỡ mẫu còn nhỏ. Và sau đây là một số liên quan phổ biến về các bệnh lý và nhóm máu.
 
Nhóm máu A
 
Nghiên cứu của Michael Stamatakos và cộng sự về ung thư vú liên quan đến nhóm máu ABO và yếu tố Rh. Nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân ung thư vú có nhóm máu A+ chiếm tỷ lệ 49,6% trong khi đó nhóm máu AB chỉ chiếm 3,6% (P=0,001). Khi xét về vấn đề di căn của bệnh thì những bệnh nhân nhóm máu A+ có nguy cơ di căn cao hơn 1,29 lần so với nhóm máu khác. Trong đó, bệnh nhân nhóm máu A- cao gấp 4,2 lần so với bệnh nhân nhóm máu A+ [3]. Tuy nhiên, có một số nghiên cứu cho rằng không có sự liên quan giữa nhóm máu ABO và ung thư vú. Một số nghiên cứu khác ủng hộ quan điểm này.
Năm 2012, Wang và các đồng nghiệp đã công bố một nghiên cứu bệnh chứng, cho thấy nguy cơ ung thư dạ dày ở những người có nhóm máu A cao hơn đáng kể so với những người không thuộc nhóm A. Mặt khác, nghiên cứu này chỉ ra rằng những đối tượng có nhóm máu O giảm nguy cơ ung thư dạ dày [4].
 
Nhóm máu B
Đối với nhóm máu B cũng có những nghiên cứu về sự liên quan giữa nhóm máu này với các bệnh lý khác. Nhóm máu ABO được báo cáo có liên quan đến sự sống còn đối với một số loại bệnh ác tính. Theo một nghiên cứu hồi cứu của nhóm tác giả Yuki Osada và cộng sự về ý nghĩa tiên lượng của nhóm máu ABO ở bệnh nhân ung thư hạch ác tính. Kết quả cho thấy có sự liên quan giữa nhóm máu ABO và tỷ lệ sống. Đối với bệnh nhân có nhóm máu B, khả năng sống 5 năm thấp hơn so với bệnh nhân có nhóm máu không B trên bệnh nhân hạch ác tính [5]. Theo một nghiên cứu khác về ung thư buồng trứng đối với từng nhóm máu cho thấy, phụ nữ nhóm máu B hoặc AB có tỷ lệ mắc ung thư buồng trứng tăng đáng kể 38%. Theo phân tích của nghiên cứu này, sự hiện diện của kháng nguyên B có liên quan thuận với tỷ lệ ung thư buồng trứng [6]. Ngoài ra, ở bệnh nhân ung thư tuyến giáp, mức độ xâm lấn và di căn của ung thư thường gặp hơn ở những bệnh nhân nhóm máu B so với nhóm máu không B [7].
 
Nhóm máu O
Một nghiên cứu bệnh chứng về nguy cơ tiền sản giật và sự liên hệ giữa các nhóm máu ABO và phân tích hồi quy cho thấy nhóm máu O làm giảm nguy cơ tiền sản giật khởi phát muộn nhưng làm tăng nguy cơ tiền sản giật khởi phát sớm [8]. Ngoài ra, người nhóm máu O được tìm thấy có tỷ lệ mắc bệnh loét dạ dày (Aird, Bentall, Mehigan & Roberts, 1954) và nhiễm độc thai nghén (Pike & Dickins, 1954) cao hơn so với các nhóm máu khác [9].
 
Nhóm máu AB
Đối với nhóm máu AB, một số nghiên cứu chỉ ra rằng những bệnh lý liên quan đến alen A làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim [10] trong khi đó alen B có liên quan đến đột quỵ do thiếu máu cục bộ [11]. Một số nghiên cứu khác so sánh nguy cơ mắc một số bệnh giữa nhóm máu không O cao hơn nhóm máu O như huyết khối tĩnh mạch hay các bệnh lý về tim khác [12]. Bên cạnh đó, nghiên cứu về ung thư tuyến tụy chỉ ra mối liên hệ giữa nhóm máu A, B và AB tăng cao hơn so với nhóm máu O nhưng nguy cơ cao nhất ở người có nhóm máu B [13],[14].

Xie J và cộng sự đã kiểm tra nhóm máu ABO và tỷ lệ mắc bệnh ung thư da bao gồm khối u ác tính, ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC- squamous cell carcinoma) và ung thư biểu mô tế bào đáy (BCC- basal cell carcinoma) trên dân số Hoa Kỳ. Kết quả cho thấy rằng nhóm máu không O có liên quan đáng kể đến việc giảm nguy cơ ung thư da không phải khối u ác tính nói chung. So với những người tham gia có nhóm máu O, những người không có nhóm máu O giảm 14% nguy cơ phát triển SCC và giảm 4% nguy cơ phát triển BCC. Việc giảm nguy cơ ung thư hắc tố đối với những người không thuộc nhóm máu O (A, AB và B kết hợp hoặc riêng biệt) không có ý nghĩa thống kê [15].
 
Kết luận
 
Nhóm máu ABO đang được nghiên cứu rất nhiều về sự liên quan với các bệnh lý nguy hiểm. Mặc dù có những nghiên cứu chưa thống nhất về quan điểm chung nhưng đây cũng là lời nhắc nhở chúng ta phải chú ý hơn đến sức khỏe của bản thân. Với những bệnh lý liên quan đến nhóm máu của bản thân thì cần được kiểm tra định kỳ để kiểm soát phòng ngừa và điều trị sớm nhất. Trong tương lai, sẽ có những nghiên cứu mới về nhóm máu và các bệnh lý mới. Tuy nhiên, sự thật không thể chối bỏ khi hầu hết chúng ta mang nhóm máu ABO và tiềm ẩn đó là những nguy cơ cao mắc một số bệnh lý nguy hiểm theo từng nhóm máu. Nên nói đúng hơn là bất cứ nhóm máu nào cũng có khả năng mắc bệnh nguy hiểm nên không chủ quan và thờ ơ với việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
 
Tài liệu tham khảo:
  1. Misbah Khan. Bombay Blood Group-Understanding Genetics.International Journal of Trend in Scientific Research and Development (IJTSRD) Volume: 3 | Issue: 4 | May-Jun 2019 Available Online: www.ijtsrd.com e-ISSN: 2456 – 6470.
  2. Athina L Yoham, Damian Casadesus. Rho (D) Immune Globulin. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2020 Jan.
  3. Michael Stamatakos, Konstantinos Kontzoglou, Panagiotis Safioleas, Constnatinos Safioleas, Christina Manti, Michael Safioleas Breast cancer incidence in Greek women in relation to ABO blood groups and Rh factor. International seminars in surgical oncology 6 (1), 14, 2009.
  4. Wang Z, Liu L, Ji J, et al. ABO blood group system and gastric cancer: a case-control study and meta-analysis. Int J Mol Sci. 2012;13:13308–21. 
  5. Yuki Osada, Chisako Ito, Yuriko Nishiyama-Fujita, Shinji Ogura, Aki Sakurai, Masahiro Akimoto, Yoshinobu Aisa, Tomonori Nakazato. Prognostic Impact of ABO Blood Group on Survival in Patients With Malignant Lymphoma. Clinical Lymphoma Myeloma and Leukemia Volume 20, Issue 2, February 2020, Pages 122-129.
  6. Margaret A Gates, Brian M Wolpin, Daniel W Cramer, Susan E Hankinson, Shelley S Tworoger. ABO blood group and incidence of epithelial ovarian cancer. International journal of cancer 128 (2), 482-486, 2011.
  7. Abbas Ali Tam, Didem Özdemir, Sevgül Fakı, Muhammet Cüneyt Bilginer, Reyhan Ersoy &Bekir Çakır. ABO Blood Groups, Rh Factor, and Thyroid Cancer Risk: To ‘B’ or Not to ‘B’. Endocrine Research, 45:2, 137-146, DOI: 10.1080/07435800.2019.1695261.
  8. Nanhathai Mahasub, Dittakarn Boriboonhirunsarn. Relationship between ABO blood groups and preeclampsia. Hypertension in Pregnancy, 1-6, 2020.
  9. Barnet Woolf. On estimating the relation between blood group and diseaseAnn Hum Genet, 1955, 19.4: 251-253.
  10. Wiggins KL, Smith NL, Glazer NL, et al. ABO genotype and risk of thrombotic events and hemorrhagic stroke. Journal of Thrombosis and Haemostasis, 2009, 7.2: 263-269.
  11. Carpeggiani C, Coceani M, Landi P, et al. ABO blood group alleles: a risk factor for coronary artery disease. An angiographic study. Atherosclerosis. 2010;211:461–6. 
  12. Spiezia L, Campello E, Bon M, et al. ABO blood groups and the risk of venous thrombosis in patients with inherited thrombophilia. Blood Transfus. 2013;11:250–3. 
  13. Amundadottir L, Kraft P, Stolzenberg-Solomon RZ, et al. Genome-wide association study identifies variants in the ABO locus associated with susceptibility to pancreatic cancer. Nat Genet. 2009;41:986–90. 
  14.  Wolpin BM, Kraft P, Gross M, et al. Pancreatic cancer risk and ABO blood group alleles: results from the pancreatic cancer cohort consortium. Cancer Res. 2010;70:1015–23. 
  15. Xie J, Qureshi AA, Li Y, Han J. ABO blood group and incidence of skin cancer. PloS one, 2010, 5.8: e11972.

Các tin khác cùng chuyên mục:
Trầm cảm sau sanh - Ngày đăng: 23-01-2018
Danh nhân Y học - Sản phụ khoa - Ngày đăng: 19-09-2015
Thủy đậu trong thai kỳ - Ngày đăng: 22-01-2015
Nhiễm Trùng Da Ở Trẻ Sơ Sinh - Ngày đăng: 20-10-2014
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ Nhật ngày 9 . 6 . 2024

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK