Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Friday 26-03-2021 3:45am
Viết bởi: ngoc
                   
        ĐD Hoàng Thị Thanh
- IVFAS
 
Herpes sinh dục hay còn gọi là mụn rộp sinh dục do virus gây ra, lây nhiễm chủ yếu qua tiếp xúc và qua quan hệ tình dục. Trong khoảng gần 100 chủng virus Herpes, có 8 chủng được tìm thấy ở người, trong đó Herpes Simplex Virus (HSV) là virus gây ra mụn rộp sinh dục. HSV có 2 chủng gồm Herpes simplex 1 (HSV-1) và Herpes simplex 2 (HSV-2) nhưng gây ra mụn rộp sinh dục chủ yếu là HSV-2. Theo tổ chức y tế thế giới (WHO, 2020) có 3,7 tỷ người dưới 50 tuổi mắc HSV-1 chiếm 67% dân số thế giới và 491 triệu người từ 15 tuổi đến 49 tuổi mắc HSV-2 chiếm 13% dân số thế giới [1]. Trên thực tế phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có huyết thanh dương tính với virus herpes đặc biệt là virus HSV chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới. Và điều đáng lo ngại hơn là liệu virus này sẽ có những ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của người mẹ và đứa trẻ.

Những ảnh hưởng đến người mẹ

Quá trình mang thai của người phụ nữ có rất nhiều nguy cơ sức khỏe như cao huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, nhiễm độc giáp thai kỳ,… Ngoài những tình trạng nguy hiểm trên thì việc một thai phụ nhiễm herpes vẫn chưa được chú ý nhiều. Liệu nhiễm HSV còn dẫn đến những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào cho bà mẹ và thai nhi ngoài mụn rộp gây lở loét, đau nhức ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt hay không vẫn còn gây tranh cãi.

Theo một nghiên cứu tại Mỹ Latinh gồm 766 trường hợp ung thư cổ tử cung và 1.532 trường hợp đối chứng được theo dõi ở bệnh viện và cộng đồng cho thấy, phụ nữ xét nghiệm dương tính với kháng thể HSV-2 thì nguy cơ ung thư cổ tử cung tăng 60% so với phụ nữ xét nghiệm âm tính với HSV-2. Hơn nữa, mối liên quan giữa HSV-2 và HPV chủng 16/18 với ung thư cổ tử cung rất đáng chú ý. Cụ thể, những người chỉ dương tính với HSV-2 có RR là 1,2 (KTC 95% 0,9- 1,6), những người dương tính với DNA HPV-16/18 có RR là 4,3 (KTC 95% 3,0- 6,0) và những người dương tính với cả hai loại virus có RR là 8,8 (KTC 95% 5,9- 13,0) so với người xét nghiệm âm tính với cả 2 loại virus này. Điều này cho thấy nguy cơ ung thư cổ tử cung tăng cao nhất ở những phụ nữ nhiễm cả hai loại virus này [2].

Ngoài ra, một trong số những biến chứng hiếm gặp do virus Herpes simplex gây ra đó là viêm gan. Người bệnh thường có diễn biến rất xấu như suy gan cấp, tổn thương gan nặng phải ghép gan thậm chí là tử vong. Trong một phân tích trên 137 trường hợp bị viêm gan do HSV, các biểu hiện lâm sàng chính gồm sốt (98%), rối loạn đông máu (84%) và bệnh lý não (80%). Nhưng điều bất ngờ là có hơn 50% trong số đó không có phát ban. Điều này dẫn đến việc chẩn đoán nhầm và điều trị muộn hơn, do đó tỷ lệ diễn tiến đến tử vong hoặc ghép gan chiếm tỷ lệ cao 74% [3]. Ở phụ nữ mang thai thì biến chứng này càng thêm nặng nề. Điển hình là trường hợp một phụ nữ mang thai 38 tuần được xác định là viêm gan do HSV. Đứa trẻ ra đời được xác định nhiễm HSV-2 và đã được điều trị bằng thuốc kháng virus. Người mẹ được điều trị bằng thuốc kháng virus nhưng không khỏi do suy gan giai đoạn cuối dẫn đến tử vong 5 ngày sau sinh. Có 23 trường hợp đã được báo cáo, mang thai là một tình trạng có thể dẫn đến nhiễm HSV lan tỏa. Đa số các trường hợp do HSV-2 và nhiễm trùng nguyên phát ở giai đoạn sau của thai kỳ là nguy cơ cao nhất. Biểu hiện bệnh chủ yếu là viêm gan và viêm não [4].

Những ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh

Trong quá trình mang thai, người mẹ nhiễm virus herpes có những ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Không chỉ ảnh hưởng đến người mẹ mà những biến chứng xảy ra ở trẻ sơ sinh cũng hết sức nặng nề. Ở Hoa Kỳ, cứ 6 người phụ nữ thì có 1 người bị Herpes sinh dục và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có nhiều nguy cơ lây truyền dọc cho trẻ sơ sinh vào thời điểm sinh đẻ. Theo thống kê năm 2011, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh chiếm 50% những trẻ nhiễm HSV quanh thời điểm chuyển dạ và sinh dù mẹ mắc bệnh nguyên phát hay tái phát [5].

Một trường hợp nhiễm virus herpes trong tử cung sau khi vỡ ối ở trẻ sơ sinh được báo cáo. Người mẹ có tiền sử nhiễm trùng vùng kín trong thời kỳ đầu mang thai. Đứa bé sinh non sau vỡ ối 11 ngày. Khi sinh ra, đứa trẻ đã bị tổn thương não rộng, xuất huyết và bệnh u não dạng nang do nhiễm trùng herpes. Chụp cộng hưởng từ được thực hiện ngày thứ 2 sau sinh và được cho rằng tình trạng xuất huyết đã xảy ra trước đó 1-2 tuần và bệnh lý nhau thai kết hợp làm tăng nhiễm trùng. Nhiễm trùng tử cung tăng dần sau vỡ ối là một vấn đề mà các chuyên gia y tế quan tâm để đưa ra cách phòng ngừa và điều trị thích hợp [6].

Virus herpes simplex có thể gây viêm não ở trẻ sơ sinh. Những trẻ bị viêm não do nhiễm HSV-2 có tần suất co giật cao hơn so với nhiễm HSV-1 [8]. Một nghiên cứu ghi nhận rằng trong 15 trẻ bị viêm não do nhiễm HSV-2 thì có 1 trẻ tử vong và 14 trẻ còn lại được theo dõi với những biến chứng nặng nề như 50% bị tật đầu nhỏ, 57% bị rối loạn co giật, 64% có dị tật nhãn khoa, 64% bị bại não và 57% bị chậm phát triển trí tuệ [8]. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh như viêm phổi do nhiễm HSV hay rối loạn đông máu nội mạch lan tỏa. Tỷ lệ tử vong ở trẻ có viêm phổi là 79% (15/19 trẻ). Trong đó, nếu có đồng thời cả viêm phổi và rối loạn đông máu nội mạch lan tỏa thì tỷ lệ tử vong là 100% (7/7 trẻ) và viêm phổi không có rối loạn đông máu nội mạch lan tỏa là 67% (8/12 trẻ) [8].
 
Những ảnh hưởng của Herpes đến thai nhi

Lây nhiễm HSV cho trẻ sơ sinh được biết đến là do lây nhiễm từ người mẹ trong quá trình chuyển dạ và sinh nở. Các biện pháp để phòng tránh được đưa ra như lựa chọn phương pháp mổ lấy thai thay vì sinh ngả âm đạo để tránh lây truyền từ mẹ sang con nhưng tỷ lệ nhiễm herpes sơ sinh vẫn không giảm. Ngoài việc lây nhiễm HSV trong quá trình sinh thì vẫn còn những vấn đề khác phải quan tâm. Chẳng hạn như, ở thai nhi dù nhiễm virus herpes trong thai kỳ là nguyên phát hay thứ phát thì cũng có những ảnh hưởng nhất định. Virus herpes có thể đi qua nhau thai và gây ra nhiễm trùng nhau thai bằng biểu hiện viêm túi thừa và viêm nhung mao. Theo Avgil và cộng sự, nhiễm HSV sinh dục kết hợp với các bệnh nhiễm trùng nguyên phát có thể gây ra nhiễm trùng trong tử cung gây sẩy thai hoặc thai lưu và những thay đổi bệnh lý liên quan đến nhau thai có thể làm tăng tổn thương đến thai nhi [9].

Bên cạnh đó, virus Herpes simplex 2 (HSV-2) được phát hiện trong nội mạc tử cung, mô thai (sau nạo thai), trong nhau thai, dây rốn, các cơ quan của thai nhi và trẻ sơ sinh khi nhuộm hóa mô miễn dịch với phức hợp avidin-biotin. Tuy nhiên, chưa có một mối liên hệ rõ ràng nào giữa nhiễm HSV với các bất thường thai và sơ sinh trên lâm sàng như thai chết trong tử cung, thai nhi chậm phát triển, thoái hóa nang não, phù nề, viêm phổi kẽ, viêm ruột hoại tử, viêm gan, viêm não, viêm cơ tim và suy thận. Giả thiết được đưa ra là nhiễm HSV trong tử cung có thể tồn tại ở thai nhi và trẻ sơ sinh dưới dạng tiềm ẩn mà không có bất thường về tế bào học hoặc miễn dịch nào được phát hiện. Nhiễm trùng tiềm ẩn này có thể liên quan đến thai lưu trong tử cung và trẻ sơ sinh tử vong hoặc tổn thương các cơ quan, mắc một số bệnh lý sơ sinh sau đó [10].

Mặc dù việc nhiễm virus Herpes simplex trong tử cung qua nhau thai là cực kỳ hiếm nhưng không phải là không có. Như một lời minh chứng cho điều này là một trường hợp được báo cáo về ảnh hưởng của thai nhi lây nhiễm HSV. Lúc thai 16 tuần, người mẹ có nổi ban và có vết loét ở bộ phận sinh dục. Sau đó, ở tuổi thai 28 tuần, người mẹ phát hiện không thấy cử động thai trong 2 tuần trước đó. Và những chẩn đoán lâm sàng như chụp tim và siêu âm cho thấy thai đã ngưng phát triển ở tuổi thai 28 tuần. Những ảnh hưởng của HSV qua nhau thai được cho là gây viêm não nặng dẫn đến tổn thương não khiến thai nhi mất cử động thai lúc thai 26 tuần [11]. Một trường hợp khác, người mẹ nhiễm HSV-2 một lần duy nhất lúc thai 14 tuần. Thai nhi được sinh bằng phương pháp mổ chủ động do thai chậm phát triển trong tử cung và tiền sản giật ở mẹ lúc thai 36 tuần. Khi mới sinh, trẻ đã có những biểu hiện lâm sàng về nhiễm virus herpes simplex. Khi mổ bắt em bé, màng ối vẫn còn nguyên vẹn và trên da có phát ban tổn thương góp phần củng cố thêm các bằng chứng về việc nhiễm virus herpes simplex trong tử cung thông qua nhau thai [12].

Các phương pháp phòng ngừa và điều trị

Ước tính có khoảng 60% đến 80% trường hợp nhiễm vi rút herpes simplex (HSV) ở trẻ sơ sinh là kết quả của việc người mẹ nhiễm HSV-1 hoặc HSV-2 gần thời điểm sinh [11]. Tử vong sơ sinh do lây nhiễm HSV trong quá trình chuyển dạ và sinh nở chiếm 50% số ca nhiễm như một lời nhắc nhở các chuyên gia phải tìm phương pháp sinh phù hợp hơn, an toàn hơn và phương pháp mổ lấy thai đang được khuyến khích áp dụng. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn chưa chứng minh được hiệu quả làm giảm tỷ lệ nhiễm herpes sơ sinh [5], bởi vì hơn 70% các bà mẹ có con bị nhiễm HSV sơ sinh không có bằng chứng về nhiễm HSV sinh dục [8].

Nhiễm HSV-2 trong thời kỳ mang thai đã gây ra mối quan tâm đáng kể ở phụ nữ mang thai và cả nhân viên y tế về những nguy cơ tiềm ẩn mà tình trạng này có thể gây ra. Boehm và cộng sự đã nghiên cứu về vấn đề này và nhận thấy phương pháp mổ lấy thai cho những người phụ nữ nhiễm HSV sinh dục gần hoặc tại thời điểm chuyển dạ đang tăng lên. Tác giả cho rằng tùy từng trường hợp mà lựa chọn phương pháp sinh phù hợp. Những bệnh nhân có kết quả nuôi cấy HSV dương tính trước khi chuyển dạ và không có kết quả nuôi cấy âm tính sau đó thì chọn phương pháp mổ lấy thai. Còn những bệnh nhân có kết quả HSV âm tính thì có thể sinh qua đường âm đạo. Nhóm tác giả cho rằng việc nuôi cấy HSV trước chuyển dạ để xác định phương pháp sinh phù hợp có thể giúp giảm tỷ lệ sinh mổ và tỷ lệ nhiễm HSV ở mức thấp nhất có thể [14]. Ngoài ra, những người phụ nữ mang thai nhiễm HSV nguyên phát trong giai đoạn cuối thai kỳ có nguy cơ lây truyền HSV sang cho con của họ cao hơn những phụ nữ đã nhiễm trước đó [15]. Mặc dù việc mắc phải HSV vào cuối thai kỳ là tương đối hiếm, nhưng việc lây truyền từ mẹ sang con vẫn diễn ra. Điều này cho thấy rằng việc ngăn ngừa nhiễm HSV ở người mẹ trong thai kỳ có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh một cách hiệu quả [13]. Một khuyến cáo còn đề xuất về việc tầm soát HSV-2 ở phụ nữ mang thai bất kể có tiền sử bị mụn rộp sinh dục hay không. Nếu xét nghiệm có kháng thể HSV-2 thì việc điều trị dự phòng bằng acyclovir trong bốn tuần cuối của thai kỳ sẽ mang lại hiệu quả kháng virus vì đa số các bà mẹ có con bị nhiễm HSV sơ sinh không có bằng chứng về nhiễm HSV sinh dục hoặc nhiễm HSV ở thể tiềm ẩn [8].

Tuy không có vaccine đặc hiệu nhưng đối với giai đoạn nhiễm virus bùng phát thì việc sử dụng thuốc Acyclovir có thể có hiệu quả kháng virus. Trong lịch sử, tỷ lệ tử vong của các bà mẹ và thai nhi trước khi thuốc Acyclovir ra đời là khá cao đến hơn 50% và hiện tại tỷ lệ này đã được cải thiện. Ngoài Acyclovir, người ta còn sử dụng các loại thuốc khác trong điều trị viêm não do virus herpes simplex như Vidarabine nhưng thực tế chứng minh Acyclovir có hiệu quả hơn [16]. Trẻ sơ sinh bị viêm não do nhiễm HSV-1 được điều trị hiệu quả với Acyclovir trong khi đó những trẻ sơ sinh bị viêm não do HSV-2 sử dụng cùng loại thuốc nhưng vẫn để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh [7].
 
Kết luận

Nhiễm virus herpes simplex trong thai kỳ có thể để lại nhiều hậu quả nặng nề cho cả mẹ và con đặc biệt là nhiễm HSV-2. Do đó, việc phòng ngừa lây nhiễm HSV là rất quan trọng vì hiện tại chưa có vaccine đặc hiệu. Dù số người nhiễm HSV có triệu chứng rất nhiều nhưng không loại trừ nhiễm virus herpes không triệu chứng. Không có triệu chứng của nhiễm herpes thì không có nghĩa là không có sự hiện diện của virus herpes trong cơ thể. Liệu có nên tầm soát HSV-2 trong thai kỳ và sử dụng thuốc dự phòng trong 4 tuần cuối thai kỳ hay không và phương pháp sinh nở nào nên được lựa chọn để đứa trẻ ra đời an toàn nhất vẫn còn là những vấn đề đang được nghiên cứu thêm.

Tài liệu tham khảo:
  1. Bagcchi, Sanjeet. "WHO estimates suggest large herpes simplex virus burden." The Lancet Infectious Diseases 16.2 (2016): 155.
  2. Hildesheim, Allan, et al. "Herpes simplex virus type 2: a possible interaction with human papillomavirus types 16/18 in the development of invasive cervical cancer". International Journal of Cancer 49.3 (1991): 335-340.
  3. Norvell, John P., et al. "Herpes simplex virus hepatitis: an analysis of the published literature and institutional cases". Liver transplantation 13.10 (2007): 1428-1434.
  4. Mudido, P., et al. "Disseminated herpes simplex virus infection during pregnancy. A case report". The Journal of reproductive medicine 38.12 (1993): 964.
  5. Westhoff, Gina L., Sarah E. Little, and Aaron B. Caughey. "Herpes simplex virus and pregnancy: a review of the management of antenatal and peripartum herpes infections". Obstetrical & gynecological survey 66.10 (2011): 629-638.
  6. Vasileiadis, G. T., Roukema, H. W., Romano, W., Walton, J. C., & Gagnon, R. (2003). Intrauterine herpes simplex infection. American journal of perinatology20(02), 055-058
  7. Corey, Lawrence, et al. "Difference between herpes simplex virus type I and type 2 neonatal encephalitis in neurological outcome." The Lancet 331.8575-8576 (1988): 1-4
  8. Whitley, Richard, et al. "Predictors of morbidity and mortality in neonates with herpes simplex virus infections." New England Journal of Medicine 324.7 (1991): 450-454.
  9. Avgil, Meytal, and Asher Ornoy. "Herpes simplex virus and Epstein-Barr virus infections in pregnancy: consequences of neonatal or intrauterine infection". Reproductive Toxicology 21.4 (2006): 436-445.
  10. Robb, J. A., Benirschke, K., Mannino, F., & Voland, J. (1986). “Intrauterine latent herpes simplex virus infection: II. Latent neonatal infection”. Human pathology17(12), 1210-1217.
  11. Lee, Anna, et al. "In utero herpes simplex encephalitis". Obstetrics & Gynecology 102.5 (2003): 1197-1199.
  12. Harris, Holly Hake, et al. "Intrauterine herpes simplex infection resembling mechanobullous disease in a newborn infant". Journal of the American Academy of Dermatology 15.5 (1986): 1148-1155.
  13. Gardella, Carolyn, et al. "Risk factors for herpes simplex virus transmission to pregnant women: A couples study". Obstetrical & gynecological survey 61.6 (2006): 360-362.
  14. Boehm, Frank H., et al. "Management of genital herpes simplex virus infection occurring during pregnancy". American Journal of Obstetrics and Gynecology 141.7 (1981): 735-740.
  15. Delaney, Shani; Gardella, Carolyn; Saracino, Misty; Magaret, Amalia; Wald, Anna “Seroprevalence of Herpes Simplex Virus Type 1 and 2 Among Pregnant Women” 1989–2010, Obstetrical & Gynecological Survey: December 2014 - Volume 69 - Issue 12 - p 726-728 doi: 10.1097/01.ogx.0000459560.07371.8f
  16. Whitley, Richard J., et al. "Vidarabine versus acyclovir therapy in herpes simplex encephalitis." New England Journal of Medicine 314.3 (1986): 144-149.
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
Tiêm chủng và thai kỳ - Ngày đăng: 19-11-2020
Suy giáp và thai kỳ - Ngày đăng: 19-11-2020
Chảy máu cam trong thai kỳ - Ngày đăng: 25-09-2020
Táo bón trong thai kỳ - Ngày đăng: 22-06-2020
Toxoplasmosis và thai kỳ - Ngày đăng: 22-01-2020
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ Nhật ngày 9 . 6 . 2024

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK