Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 22-05-2020 10:15am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
 
NHS. Lê Thị Kim Tho – IVF Vạn Hạnh
 
               Vô sinh được xác định là tình trạng một cặp vợ chồng không có thai sau 1 năm chung sống, giao hợp bình thường, không sử dụng các biện pháp tránh thai nào (WHO 1999). Vô sinh không phải là một vấn đề đơn giản mà là một cuộc khủng hoảng ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ hôn nhân, đời sống tình dục, lòng tự trọng, chất lượng cuộc sống, kế hoạch tương lai, tham vọng, tình bạn và đời sống xã hội của cặp vợ chồng, đặc biệt là phụ nữ.

               Ở các xã hội truyền thống như Thổ Nhĩ Kỳ, khả năng sinh con được coi là yếu tố quyết định khả năng tình dục cho cả phụ nữ và nam giới. Phụ nữ thường phải chịu trách nhiệm về sự suy giảm khả năng này vì vai trò quan trọng nhất của họ trong gia đình và xã hội là chứng minh rằng họ có khả năng sinh sản và chăm sóc con cái. Trong trường hợp không có thai tự nhiên, sự kỳ thị của gia đình, và đặc biệt là của những người phụ nữ khác, gây tăng tỷ lệ lo lắng và trầm cảm ở những người phụ nữ vô sinh, bao gồm các nguy cơ sẩy thai. Ngoài ra, bất kỳ vấn đề sức khỏe tâm thần xảy ra trong suốt quá trình mang thai có thể gây ra các biến chứng như dọa sẩy thai (Threatened Miscarriage - TM) và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc mang thai.

TM là lý do chính của nhập viện trong thai kỳ. Trong những trường hợp này, người mẹ không có thai sau một thời gian dài điều trị HTSS sẽ lo lắng về số phận của đứa con chưa sinh của mình, đặc biệt là nếu cô ấy biết rằng thai nhi của mình bị rủi ro. Căng thẳng do phụ nữ mang thai gặp phải có thể dẫn đến kết quả tiêu cực cho mẹ và thai nhi. Bên cạnh đó, trầm cảm và vô vọng ở những phụ nữ này cũng làm tăng nguy cơ bị sẩy thai. Hỗ trợ xã hội, bao gồm hỗ trợ vợ chồng, là một yếu tố bảo vệ chống lại các vấn đề sức khỏe tâm thần như lo âu trước sinh, trầm cảm và vô vọng ở phụ nữ mang thai bị TM.
Một số nghiên cứu lâm sàng đã báo cáo rằng sẩy thai và mất thai trước khi sinh dẫn đến cảm giác đau khổ về tâm lý như suy nhược, lo lắng, tức giận và đau buồn. Tuy nhiên, có ít nghiên cứu về các vấn đề tâm thần như lo lắng, trầm cảm và giảm hy vọng ở phụ nữ bị dọa sẩy thai sau điều trị HTSS. Xác định sự tuyệt vọng tiềm tàng, trầm cảm và rối loạn lo âu kịp thời, áp dụng phương pháp trị liệu, xác định tình trạng hỗ trợ xã hội của phụ nữ mang thai và cung cấp hỗ trợ xã hội cần thiết sẽ dẫn đến sự phát triển tích cực trong quá trình mang thai. Trong trường hợp này, mục đích của nghiên cứu so sánh và mô tả này là để đánh giá sự lo lắng, các triệu chứng trầm cảm, vô vọng và hỗ trợ xã hội của những phụ nữ mang thai từ kỹ thuật hỗ trợ được chẩn đoán dọa sẩy hoặc không dọa sẩy. 
               Nghiên cứu so sánh và mô tả này được thực hiện với 194 phụ nữ mang thai được chẩn đoán TM (96) và không TM (98) trong khoảng từ tháng 1 năm 2018 đến năm 2019. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập bằng cách sử dụng Biểu mẫu khai thông tin dành cho thai phụ, Danh mục trầm cảm Beck (BDI), Danh mục lo âu Beck (BAI), Thang đo sự thất vọng Beck (BHS) và Thang đo đa chiều về nhận thức hỗ trợ xã hội (MSPSS). Tiêu chuẩn nhận của nghiên cứu bao gồm phụ nữ mang thai đã kết hôn, từ 20 tuổi trở lên, biết chữ và biết tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, tình nguyện tham gia nghiên cứu, đã mang thai sau IVF, mang thai dưới 20 tuần thai và không có biến chứng, và được chẩn đoán hoặc không được chẩn đoán bị TM bởi bác sĩ sản khoa. Tiêu chuẩn loại trừ của nghiên cứu gồm phụ nữ mang thai mắc bệnh hiểm nghèo, đe dọa đến tính mạng hoặc đang điều trị vì lý do này, những người mù chữ và không biết tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, dưới 20 tuổi và không tình nguyện tham gia nghiên cứu.

               Kết quả cho thấy rằng phụ nữ trong nhóm dọa sẩy thai được phát hiện có điểm trung bình cao hơn từ BDI, BAI và BHS và điểm trung bình thấp hơn từ MSPSS so với nhóm không TM (Nhóm có TM có mức độ lo lắng, trầm cảm cao hơn, và ít hy vọng hơn so với nhóm không có TM, và mức độ nhận được hỗ trợ gia đình xã hội của nhóm này thấp hơn). Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra một sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa điểm số trung bình BDI, BAI, BHS và MSPSS theo nhóm tuổi, trình độ giáo dục, số lần thụ tinh trong ống nghiệm và tiền sử trầm cảm. Bên cạnh đó, có một sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa điểm số BDI, BAI và BHS trung bình theo tiền sử phá thai trước đây và tiền sử gia đình bị trầm cảm trong nhóm TM.

               Nghiên cứu này cho thấy rằng việc theo dõi các triệu chứng trầm cảm, lo lắng và giảm hy vọng ở những phụ nữ mang thai được chẩn đoán dọa sẩy thai sau khi điều trị vô sinh có thể ngăn ngừa các biểu hiện tâm thần và có tác động tích cực đến việc tiếp tục mang thai khỏe mạnh.

Nguồn:

Gümüşsoy SKeskin GÇiçek ÖYiğitoğlu SKirazlı GYıldırım GÖ. Psychological problem areas of pregnant women diagnosed with abortus immines as a result of assisted reproductive techniques: A comparative study. Perspect Psychiatr Care. 2020 May 5. doi: 10.1111/ppc.12526. 



Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK