Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Monday 22-06-2020 9:15am
Viết bởi: Administrator

CNHS Huỳnh Ngọc Kiều - IVFMD Phú Nhuận

Tổng quan

Mỗi người đều có lối sống, thói quen và sở thích riêng rất khác nhau, đôi khi lối sống và thói quen này lại ảnh hưởng đến một số vấn đề sức khỏe, đặt biệt là sức khỏe sinh sản.

Ước tính số cặp vợ chồng bị vô sinh trên thế giới lên tới 15%, đặc biệt là các quốc gia công nghiệp hóa và điều này trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của nhiều tổ chức y tế trên thế giới. Để giảm tỉ lệ vô sinh, nhiều yếu tố lối sống dưới đây có thể được thay đổi để nâng cao sức khỏe tổng thể và đặc biệt là sức khỏe sinh sản.

Tuổi

Yếu tố quan trọng nhất trong khả năng sinh sản là tuổi tác, tuy nhiên hiện nay tuổi thọ tăng cao, kinh tế xã hội thay đổi đã khiến các cặp vợ chồng lập gia đình muộn hơn. Phụ nữ được sinh ra với một số lượng trứng nhất định và khi già đi số lượng và chất lượng đều suy giảm đáng kể. Tuổi tăng không chỉ làm kinh nguyệt thay đổi mà còn làm giảm khả năng mang thai của phụ nữ, trong khi dưới 30 tuổi khả năng mang thai lên đến 71% thì khi trên 36 tuổi nó chỉ còn 41%, những biến chứng thai kỳ cũng nhiều hơn ở nhóm phụ nữ lớn tuổi. Đồng thời khi nam giới lớn tuổi nồng độ testosterone bắt đầu giảm, sau 35 tuổi các thông số tinh dịch đồ cũng giảm dần. Ngoài ra tuổi của một người đàn ông cũng liên quan trực tiếp đến sự tăng phân mảnh DNA của tinh trùng. Vì vậy, tuổi càng cao càng không có lợi cho khả năng sinh sản của cả nam và nữ.

Tác động của chế độ ăn uống và tập thể dục

Dinh dưỡng

Các yếu tố dinh dưỡng được biết là yếu tố quyết định của chức năng sinh sản bình thường của cả hai giới. Bằng chứng gần đây từ các nghiên cứu trên động vật và người cho thấy chế độ ăn nhiều chất béo dẫn đến chức năng sinh sản bị suy giảm, bằng cách ảnh hưởng đến cấu trúc phân tử và vật lý của tinh trùng cũng như rối loạn rụng trứng ở nữ giới. Những dữ liệu mới được nghiên cứu gần đây cho thấy chế độ ăn với trái cây và rau quả có mối liên quan tích cực đến sự vận động và hình thái của tinh trùng. Đối với nữ giới, nếu như sử dụng carbohydrate từ protein động vật đã chứng minh là có hại cho khả năng rụng trứng, thì ngược lại sẽ có chức năng bảo vệ. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phụ nữ khi được bổ sung vitamin tổng hợp có thể ít bị vô sinh do nguyên nhân từ noãn. Chính vì vậy một chế độ ăn uống lành mạnh và đa dạng có thể là một phần quan trọng để duy trì sức khỏe tốt cho cả nam giới và nữ giới.

Thừa cân

Hiện nay số người béo phì ngày càng tăng lên do chế độ ăn giàu năng lượng cũng như không tập thể dục thường xuyên, điều này gây ảnh hưởng tiềm ẩn đến sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng. Một nghiên cứu đã chứng minh rằng sự gia tăng BMI có thể liên quan đến việc giảm nồng độ tinh trùng và giảm khả năng vận động của tinh trùng. Nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng, phụ nữ có BMI trên 30 có thời gian mang thai lâu hơn so với phụ nữ có BMI trong khoảng 20 đến 25. Chính vì vậy việc hạn chế các thức ăn nhiều chất béo không bão hòa nên được thiết lập, đồng thời nên có chế độ dinh dưỡng ưu tiên sử dụng đạm có nguồn gốc thực vật hơn nguồn gốc động vật.

Thiếu cân

Ngoài béo phì ra thì thiếu cân cũng là một yếu tố có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Những người đàn ông thiếu cân thường có nồng độ tinh trùng thấp hơn so với những người có BMI bình thường. Đối với phụ nữ, thiếu cân có liên quan đến rối loạn chức năng buồng trứng và vô sinh.

Tập thể dục

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhóm nam giới tham gia các hoạt động thể chất vừa phải có hình thái tinh trùng tốt hơn (15,2%) so với nhóm nam giới chơi các môn thể thao cạnh tranh (9,7%) hoặc nhóm vận động viên (4,7%). Mặt khác các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng với quá trình tập luyện cường độ cao và liên tục, các thông số tinh dịch và chức năng tinh hoàn có thể bị ảnh hưởng xấu bởi sự đốt nóng tinh hoàn, stress oxy hóa, phân mảnh DNA và ức chế gonadotropin. Đối với nữ giới tập thể dục cũng được chứng minh nếu như cường độ cao cũng làm ảnh hưởng không tốt đến cân bằng năng lượng cơ thể và hệ thống sinh sản. Như vậy, hoạt động thể chất nên vừa phải để cải thiện khả năng sinh sản. Nên hoạt động thể chất tối thiểu 30 phút mỗi ngày giúp làm giảm tỷ lệ vô sinh do rối loạn phóng noãn, đặc biệt là do hội chứng buồng trứng đa nang, đối với phụ nữ thừa cân, béo phì.

Ảnh hưởng tâm lý

Căng thẳng là một phần nổi bật của bất kỳ xã hội nào, cho dù đó là thể chất, xã hội hoặc tâm lý. Và bản thân vô sinh cũng rất căng thẳng, do áp lực xã hội, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị, thất bại, mong muốn không được thỏa mãn và thậm chí cả chi phí tài chính cũng là yếu tố liên quan. Một trong các căng thẳng như xuất phát từ công việc, các vấn đề cuộc sống hay thậm chí căng thẳng xã hội đồng thời đều có thể tác động tiêu cực đến chất lượng tinh trùng. Ở phụ nữ căng thẳng về thể chất có liên quan đến khả năng sinh sản, đặc biệt là đối với phụ nữ làm việc hơn 32 giờ một tuần thì thời gian thụ thai lâu hơn đối với phụ nữ làm việc từ 16 đến 32 giờ một tuần. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tâm trạng tích cực tương quan với việc tăng khả năng có con, trong khi mức độ lo lắng cao làm tăng tỉ lệ thai lưu. Duy trì lối sống lành mạnh, suy nghĩ tích cực, luyện tập các động tác thư giãn, nhận sự hỗ trợ từ bạn đời và cộng đồng có thể cải thiện 30% tỷ lệ có thai ở lần điều trị thứ hai.

Các chất kích thích và thuốc uống

Thuốc lá

Thuốc lá làm giảm khả năng sinh sản của phụ nữ, gây ra các hậu quả như rối loạn kinh nguyệt, suy buồng trứng sớm, mãn kinh sớm, tăng các biến chứng thai kỳ. Ở nam giới hút thuốc có xu hướng giảm nồng độ tinh trùng, mật độ, khả năng vận động, hình thái bình thường, lượng tinh dịch và khả năng thụ thai. Nghiên cứu đã thấy rằng sau khi ngưng thuốc 1 năm, khả năng sinh sản sẽ được cải thiện tương đương với người không hút thuốc.

Rượu

Ở nam giới, tiêu thụ rượu có liên quan đến nhiều ảnh hưởng hình thái tinh trùng và khả năng vận động của tinh trùng. Ở nữ giới việc tiêu thụ lượng rượu từ một ly mỗi tuần đến 5 đơn vị mỗi ngày có thể có tác dụng bao gồm giảm khả năng thụ thai hơn 50%, làm tăng nguy cơ sẩy thai tự nhiên và tỉ lệ tử vong thai nhi.

Caffeine

1-2 ly cà phê/ ngày trước hoặc trong thời gian mang thai sẽ không gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cũng như kết quả thai kỳ.

Phơi nhiễm môi trường và nghề nghiệp

Ô nhiễm không khí

Trong nhiều thập kỷ qua, vấn đề ô nhiễm không khí ngày càng được quan tâm, đặc biệt là ảnh hưởng của nó lên sức khỏe con người. Một đoàn hệ hồi cứu gần đây được thực hiện trên dữ liệu điều trị IVF và chuyển phôi (IVF-ET) của những phụ nữ Hàn Quốc từ năm 2011 đến 2017 nhằm kiểm tra giả thuyết về mối liên quan có thể có giữa ô nhiễm không khí và kết quả điều trị IVF (Kang và cs., 2020). Kết quả cho thấy có sự biến động tương tự giữa tỷ lệ thất bại IVF-ET và nồng độ không khí ô nhiễm được tìm thấy dựa trên cơ sở dữ liệu lớn, dài hạn. Tỷ lệ thành công IVF-ET cao nhất khi nồng độ hạt bụi thấp nhất [2].

Nghề nghiệp

Cả nam giới và phụ nữ đều có thể tiếp xúc với hóa chất và các chất khác nhau có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản khi họ làm việc. Nam giới làm việc trong các khu công nghiệp có sử dụng thuốc trừ sâu hoặc kim loại nặng cho thấy các thông số tinh dịch giảm, số lượng tinh trùng thấp hơn và nồng độ tinh trùng giảm đi rất nhiều đến 60%.

Bức xạ

Sự tiện lợi đáng kinh ngạc của điện thoại di động đã tăng đáng kể trong thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên, một cập nhật về điện thoại di động và vô sinh nam được công bố năm 2018 tại tạp chí hàng đầu về Y học tại Nhật Bản đã kết luận rằng bức xạ điện thoại di động có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tinh trùng ở nam giới như giảm số lượng tinh trùng, độ di động, khả năng sống sót. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức của mọi người về ảnh hưởng của sóng điện từ và giảm thiểu các tiếp xúc tối thiểu [3].

Kết luận

Các yếu tố lối sống được thảo luận trong bài hiện tại có thể tác động đến khả năng sinh sản. Điều quan trọng là phải hiểu những cách mà hành vi lối sống có thể có lợi hoặc gây hại cho khả năng sinh sản để giảm thiểu các biến chứng và tối đa hóa kết quả sinh sản. Bằng cách hiểu tác động của lối sống đến sức khỏe sinh sản và bằng cách chủ động sửa đổi hành vi lối sống, nam giới và nữ giới có khả năng kiểm soát tiềm năng sinh sản của chính mình.
 
 
Tài liệu tham khảo
[1] Anderson K, Nisenblat V, Norman R. Lifestyle factors in people seeking infertility treatment – A review. Obstet Gynaecol Sci. 2010 February; 50: 8-20. doi: 10.111 / j.1479-828X.2009.01119.x.
[2] Kang J, Lee JY, Song H, Shin SJ. Association between in vitro fertilization success rate and ambient air pollution: a possible explanation of within-year variation of in vitro fertilization success rate. Obstet Gynecol Sci. 2020 Jan; 63(1):72-79
[3] Mohammed Abu El-Hamd, S. A., 2018. Cell phone and male infertility: An update. J Integr Nephrol Androl, 5(1), pp. 1-5.
[4] Sharma R1, Biedenharn KR, Fedor JM, Agarwal A. Lifestyle factors and reproductive health: taking control of your fertility. Reprod Biol Endocrinol. 2013 Jul 16;11:66. doi: 10.1186/1477-7827-11-66.
[5] Ilacqua A, Izzo G, Emerenziani GP, Baldari C, Aversa A. Lifestyle and fertility: the influence of stress and quality of life on male fertility. Reprod Biol Endocrinol. 2018 Nov 26;16(1):115. doi: 10.1186/s12958-018-0436-9.
[6] IVFMDPHUNHUAN. 7 điều phụ nữ cần lưu ý để tăng cơ hội có thai, <https://ivfmdphunhuan.vn/7-dieu-phu-nu-can-luu-y-de-tang-co-hoi-co-thai/ >, xem 17/06/2020

Các tin khác cùng chuyên mục:
Sốt xuất huyết và thai kì - Ngày đăng: 11-05-2020
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ Nhật ngày 9 . 6 . 2024

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK