Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 11-05-2020 9:30am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
BS. Trần Thị Thu Vân – Bệnh viện Mỹ Đức
 
 
Băng huyết sau sinh (BHSS) là nguyên nhân gây tử vong mẹ hàng đầu trên toàn thế giới. Vào năm 2017, có 38000 phụ nữ tử vong vì BHSS, 90% trong số đó gặp ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Tỷ lệ BHSS ở các nước thu nhập cao vào khoảng 7-12%. Gần đây, tỷ lệ này ghi nhận có gia tăng: ở Canada, tỷ lệ BHSS tăng 27% từ năm 2000 đến 2009; ở Hoa Kỳ ghi nhận tỷ lệ BHSS nặng tăng gấp đôi từ năm 1998 đến năm 2008. Các nguyên nhân gây ra BHSS thường gặp là đa thai, con to, đa ối, đa sản, nhau bám bất thường, chuyển dạ nhanh, chuyển dạ kéo dài, đờ tử cung, tổn thương đường sinh dục, sót nhau, rối loạn đông máu,… Các biện pháp xử trí BHSS gồm có xoa đáy tử cung, thuốc gò tử cung, tranexamic acid, đặt bóng chèn, thắt động mạch tử cung và các phương pháp phẫu thuật khác. Trong đó, bóng chèn là một phương tiện tốn chi phí thấp và không cần phải tập huấn lâu dài, phức tạp. Tuy nhiên, thực tế các bằng chứng về hiệu quả của đặt bóng chèn trong điều trị BHSS vẫn còn hạn chế.
 
Chính vì vậy, Sebastian Suarez và cộng sự thực hiện một nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích gộp nhằm tìm ra hiệu quả điều trị BHSS bằng bóng chèn. Dữ liệu được tìm trên PubMed, Ovid MEDLINE, EMBASE, POPLINE, Web of Science, African Index Medicus, LI- LACS/BIREME, Cochrane Library, và Google Scholar đến 31 tháng 8 2019, với các từ khóa liên quan đến BHSS và phương pháp đặt bóng chèn. Các nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên hoặc không ngẫu nhiên, nghiên cứu loạt ca báo cáo về hiệu quả và an toàn của phương pháp đặt bóng chèn điều trị BHSS sau mổ lấy thai hoặc sanh ngã âm đạo sẽ được đưa vào phân tích. Cuối cùng có 91 nghiên cứu bao gồm 4729 đối tượng thỏa tiêu chuẩn chọn mẫu.
 
Kết quả phân tích như sau:
 
Hiệu suất điều trị (efficacy):
  • Dữ liệu từ 90 bài báo cho thấy tỷ lệ thành công của phương pháp đặt bóng chèn là 85.9% (95% KTC 83.9 – 87.9)
  • So sánh việc sử dụng bóng chèn và không sử dụng bóng chèn trong điều trị BHSS do đờ tử cung sau sinh ngả âm đạo: không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê ở cả hai nhóm khi phân tích về nguy cơ tử vong mẹ, thắt động mạch tử cung, cắt tử cung,…
  • So sánh việc sử dụng bóng chèn trong điều trị BHSS do nhau tiền đạo sau mổ lấy thai: phân tích gộp 3 nghiên cứu cho thấy sử dụng bóng chèn giúp giảm can thiệp phẫu thuật, cắt tử cung, lượng máu mất và thời gian nằm viện có ý nghĩa thống kê, tuy nhiên mức độ chứng cứ còn thấp (low-quality evidence).
 
Tính hiệu quả (effectiveness):

Bằng chứng từ 2 nghiên cứu không ngẫu nhiên theo dõi trước và sau điều trị và 1 nghiên cứu không ngẫu nhiên có đối chứng theo cụm cho thấy đặt bóng chèn điều trị BHSS khi sinh ngả âm đạo giúp giảm nguy cơ phải can thiệp phẫu thuật và thuyên tắc mạch. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu stepped-wedge, sử dụng bóng chèn bằng bao cao su ở các bệnh viện hạng 2 ở 3 nước châu Phi làm tăng nguy cơ tử vong mẹ và can thiệp xâm lấn, tuy nhiên khác biệt này không có ý nghĩa thống kê. Nhóm phân tích cũng chỉ ra nhiều lý do dẫn đến sai lệch kết quả nghiên cứu, bao gồm tỷ lệ sử dụng bóng chèn thấp, sử dụng bóng chèn không phù hợp chỉ định, thời điểm đặt bóng chèn không chính xác.
 
Tính an toàn (safety):
  • Biến chứng gần: có 39 trong 90 nghiên cứu (43%) ghi nhận có biến chứng trên phụ nữ sau điều trị BHSS bằng bóng chèn. Bảy nghiên cứu ghi nhận 29 trong số 445 sản phụ (6.5%) có sốt hoặc nhiễm trùng. Ba nghiên cứu chỉ ra 7 trên 308 trường hợp (2.3%) có biến chứng viêm nội mạc tử cung. Ngoài ra còn một số ít biến chứng khác được ghi nhận: rách tử cung, tổn thương đoạn dưới tử cung, nứt vết mổ cũ,…
  • Biến chứng xa: Một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu trên 200 sản phụ có BHSS mức độ nặng ghi nhận hầu hết các đối tượng sau điều trị đều có kinh nguyệt bình thường, tỷ lệ có thai trở lại là 43% ở nhóm có đặt bóng chèn so với 46% ở nhóm chứng (sau khi đã loại trừ các trường hợp sử dụng biện pháp tránh thai). Một nghiên cứu khác đánh giá khả năng mang thai sau 108 tháng ở 31 sản phụ có đặt bóng chèn ghi nhận 7 trường hợp mang thai trở lại, 23 trường hợp không mong muốn có thai và 1 trường hợp gặp phải tình trạng hiếm muộn, vô sinh.
 
Tóm lại, phân tích gộp nêu trên cho thấy hiệu quả và tính an toàn của đặt bòng chèn trong điều trị BHSS với tỷ lệ thành công 85.9%. Một số ghi nhận khác của nghiên cứu:
  1. Bóng chèn có hiệu quả ở nhóm BHSS do đờ tử cung và nhau tiền đạo hơn so với nhóm BHSS do nhau cài răng lược và sót nhau.
  2. Bóng chèn có hiệu quả ở nhóm BHSS sau sinh ngả âm đạo hơn nhóm BHSS sau mổ lấy thai.
  3. Bóng chèn có hiệu quả ở nhóm BHSS do đờ tử cung sau sinh ngả âm đạo hơn nhóm BHSS do đờ tử cung sau mổ lấy thai.
  4. Bóng chèn bằng bao cao su có hiệu quả ít nhất là tương đương với bóng chèn Bakri.
  5. Kết quả của nhiều nghiên cứu là không thống nhất với nhau.
 
Điểm mạnh của nghiên cứu là:
  1. Phương pháp nghiên cứu nghiêm ngặt.
  2. Đề cương nghiên cứu tốt giúp định hướng câu hỏi nghiên cứu.
  3. Phân tích hiệu suất, hiệu quả và tính an toàn của phương pháp điều trị BHSS
  4. Phân tích RCT, nghiên cứu không ngẫu nhiên và loạt ca
  5. Đánh giá nguy cơ nhiễu nghiêm ngặt.
 
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng còn một vài điểm hạn chế:
  1. Chất lượng của các bài báo gốc không được đánh giá cao. Trong khi hầu hết các thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu không ngẫu nhiên được đánh giá là có chất lượng, thì chỉ có ½ nghiên cứu loạt ca được đánh giá là nguy cơ nhiễu thấp.
  2. 42 nghiên cứu bị loại vì chỉ công bố tóm tắt. 42 nghiên cứu này khi được phân tích độ nhạy cho thấy kết quả có sự tương đương với phân tích ban đầu.
  3. Số lượng thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu không ngẫu nhiên còn hạn chế làm cho không đủ bằng chứng kết luận hiệu quả của đặt bóng chèn trong việc điều trị BHSS do đờ tử cung.
  4. Không có nhiều các nghiên cứu báo cáo về tính an toàn của đặt bóng chèn.
 
Tóm lại, nhóm nghiên cứu đưa ra bằng chứng thuyết phục rằng sử dụng bóng chèn điều trị BHSS nặng không đáp ứng với thuốc gò tử cung và các xử trí ban đầu có tỷ lệ thành công cao. Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy đặt bóng chèn làm giảm tỷ lệ can thiệp phẫu thuật như thắt động mạch, khâu ép tử cung, cắt tử cung và thuyên tắc mạch.
 
Nguồn: Suarez, S., Conde-Agudelo, A., Borovac-Pinheiro, A., Suarez-Rebling, D., Eckardt, M., Theron, G., Burke, T.F., 2020. Uterine balloon tamponade for the treatment of postpartum hemorrhage: a systematic review and meta-analysis. American Journal of Obstetrics and Gynecology 222, 293.e1-293.e52. https://doi.org/10.1016/j.ajog.2019.11.1287

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ Nhật ngày 9 . 6 . 2024

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK