Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Sunday 23-11-2014 4:38pm
Viết bởi: Administrator
Bs. Bùi Quang Trung – Nhóm Rối loạn THA trong thai kỳ BV Mỹ Đức


 
Từ trước đến nay, việc sử dụng aspirin để dự phòng tiền sản giật ở nhóm thai phụ có nguy cơ cao cho thấy nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, aspirin - nhằm vào cơ chế tác động của huyết khối đến sự phát triển của nhau thai - vẫn không ngăn ngừa được hoàn toàn nguy cơ xuất hiện của tiền sản giật. Điều này được giải thích là do còn có nhiều cơ chế khác liên quan đến bệnh lý tiền sản giật. Do bản chất phức tạp của tiền sản giật, nên không thể trông đợi vào việc sử dụng aspirin có thể giải quyết hết tất cả các nguy cơ của bệnh lý này. Tuy nhiên, với những ảnh hưởng còn nặng nề của tiền sản giật đối với mẹ và thai nhi, việc tìm ra những yếu tố nguy cơ khác của tiền sản giật là công việc đang được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.

Thời gian gần đây, nhiều công cụ sàng lọc tiền sản giật trong tam cá nguyệt I được phát triển và đã được công nhận. Đó là sự kết hợp giữa các yếu tố của người mẹ, các thông số lý sinh, Doppler động mạch tử cung, nồng độ PAPP - A…

Trong quá trình nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố trong tam cá nguyệt I của thai kỳ trước bị tiền sản giật đối với nguy cơ tái phát tiền sản giật ở thai kỳ sau, nhóm tác giả Dana M. Block-Abraham (ở Hoa Kỳ) thấy rằng tăng huyết áp trong tam cá nguyệt I có thể là một yếu tố nguy cơ độc lập cho tiền sản giật tái phát. Do đó, với mong muốn kiểm nghiệm vai trò của tăng huyết áp trong tam cá nguyệt I đối với tiền sản giật, các tác giả xây dựng giả thuyết rằng phụ nữ có nguy cơ cao, được điều trị dự phòng bằng aspirin nhưng vẫn xuất hiện tiền sản giật là do ngoài những yếu tố nguy cơ liên quan đến tim mạch và chuyển hóa thì còn có những yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp trong tam cá nguyệt I, tăng BMI.

Nghiên cứu tiến cứu được thực hiện trên đối tượng là phụ nữ mang thai 9 -14 tuần (trong khoảng thời gian từ 2007 – 2010) tại 4 trung tâm Sản khoa ở Baltimore, Maryland và được sự chấp thuận của hội đồng xét duyệt gồm: Đại học Maryland, Trung tâm Y khoa Mercy, Viện nghiên cứu MedStar. Aspirin liều 81 mg/ ngày được sử dụng từ tuổi thai trước 16 tuần cho thai phụ có nguy cơ cao bị tiền sản giật, bao gồm: tiền căn tiền sản giật, tiền căn thai lưu, tiền căn thai chậm tăng trưởng trong tử cung, có huyết khối mạch máu, bệnh tự miễn, sẩy thai liên tiếp, có khuyết đầu tâm trương ở động mạch tử cung, hay có nguy cơ cao tiền sản giật theo kết quả tầm soát dựa theo phần mềm của FMF.

Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Obstetrics & Gynecology số tháng 3/2014, trong số 614 thai phụ được sử dụng aspirin dự phòng, có 59 trường hợp bị tiền sản giật, chiếm 9.6%. Phân tích cho thấy các thai phụ bị tiền sản giật này đều có tỷ lệ bị đái tháo đường, tăng huyết áp, tiền căn tiền sản giật, bép phì cao hơn và nồng độ PAPP – A thấp hơn so với các thai phụ không bị tiền sản giật (p <0.05).

Phân tích về huyết áp trong tam cá nguyệt I cho thấy thai phụ bị tiền sản giật có các mức huyết áp đều cao hơn so với thai phụ không bị tiền sản giật. Cụ thể tỷ lệ tăng huyết áp cao hơn so với thai phụ không bị tiền sản giật (74.6% so với 40.9%, P <0.001); huyết áp tâm thu 127 mmHg so với 117 mmHg ở thai phụ không bị tiền sản giật; huyết áp tâm trương 75 mmHg so với 68 mmHg; và huyết áp trung bình 93 mmHg so với 84 mmHg (P< 0.001).

Các bước phân tích tiếp theo trong nghiên cứu cho thấy về nhóm tuổi khởi phát tiền sản giật, thì cả 2 nhóm tiền sản giật khởi phát sớm (thai dưới 34 tuần) và tiền sản giật khởi phát muộn (thai từ 34 tuần trở lên) đều có tỷ lệ tăng huyết áp hay huyết áp cao (huyết áp tâm thu 120 -129 mmHg và hoặc huyết áp tâm trương 80 - 89 mmHg) lớn hơn so với tỷ lệ có huyết áp bình thường (P<0.001). Các tác giả còn cho thấy, so với thai phụ có huyết áp bình thường, thì thai phụ có tăng huyết áp hay huyết áp cao trong tam cá nguyệt I có nguy cơ bị tiền sản giật cao hơn 2.18 lần (P<0.001). Trong khi đó, mức huyết áp bình thường làm giảm nguy cơ bị tiền sản giật đến 56%.

Kết quả nghiên cứu cung cấp cho chúng ta những thông tin hết sức bổ ích. Tuy nhiên một vài điểm hạn chế như đa số thai phụ là người Mỹ gốc Phi, việc tuân thủ sử dụng thuốc ở một số thai phụ không được xác minh rõ ràng và thời điểm bắt đầu dử dụng aspirin chưa được chuẩn hóa ảnh hưởng đến việc áp dụng rộng rãi kết quả của nghiên cứu.

Việc tiếp tục nghiên cứu để hiểu hơn về mối quan hệ giữa tăng huyết áp trong tam cá nguyệt I, tiền sản giật và dự phòng bằng aspirin là cần thiết. Ngoài ra, các tác giả còn cần nhắc nghiên cứu vai trò của điều trị hạ áp trong tam cá nguyệt I ở thai phụ có mức huyết áp cao, nhưng thấp hơn ngưỡng của tăng huyết áp.
 
Tài liệu tham khảo:
1.     Block-Abraham DM, Turan OM, Doyle LE, Kopelman JN, Atlas RO, Jenkins CB, Harman CR, Blitzer MG and Baschat AA. First trimester maternal characteristics, Doppler parameters and serum analytes after preeclampsia. Hypertens Pregnancy 2014; 33:204-214.
2.     Block-Abraham DM, Turan OM, Doyle LE, Kopelman JN, Atlas RO, Jenkins CB, Blitzer MG and Baschat AA. First-Trimester Risk Factors for Preeclampsia Development in Women Initiating Aspirin by 16 Weeks of Gestation. Obstetrics & Gynecology 2014; 123:611-617 610.1097/AOG.0000000000000118.
3.    Jennifer Garcia. Higher BP in First Trimester May Increase Preeclampsia Risk. Medscape Medical News, 2014
Các tin khác cùng chuyên mục:
Thuốc chống đông và thai kỳ - Ngày đăng: 09-11-2014
Liệu pháp CORTICOSTEROIDS trước sinh - Ngày đăng: 06-10-2014
Thuyên tắc ối - Ngày đăng: 26-10-2013
Dự phòng tiền sản giật - Ngày đăng: 08-10-2013
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK